Cần 250 triệu USD xử lý ô nhiễm dioxin ở Sân bay Biên Hòa

Cần hơn 250 triệu USD xử lý ô nhiễm dioxin ở Sân bay Biên Hòa

Tổng kinh phí để xử lý triệt để toàn bộ 250.000m3 đất bị ô nhiễm dioxin với nồng độ rất cao ở thành phố Biên Hòa là hơn 250 triệu USD và quá trình xử lý sẽ phải kéo dài hơn 5 năm.

“Khoảng 250.000m3 đất tại thành phố Biên Hòa bị ô nhiễm dioxin với nồng độ từ 1.000 ppt đến hơn 1 triệu ppt (hàm lượng dioxin dưới mức 10 ppt là thấp, khoảng trên dưới 100 ppt là cao).

Để xử lý triệt để toàn bộ khối lượng đất này, Việt Nam cần nguồn kinh phí trên 250 triệu USD."

Đó là thông tin được ông Lê Kế Sơn, Giám đốc Dự án quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 33) đưa ra tại hội thảo “Đánh giá thực trạng ô nhiễm dioxin tại Sân bay Biên Hòa - những việc cần làm.”

Hội thảo do Ban Chỉ đạo 33 phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức ngày 21/10, tại Đồng Nai.

Theo ông Sơn, thời gian qua, Ban Chỉ đạo 33 phối hợp cùng các bộ, ngành đã khảo sát, nghiên cứu mức độ ô nhiễm dioxin tại Sân bay Biên Hòa và khu vực lân cận.

Trước khảo sát, chỉ ước tính có trên 75.000m3 đất bị ô nhiễm, song trong quá trình thực hiện Ban Chỉ đạo đã phát hiện thêm nhiều điểm bị ô nhiễm dioxin. Vì vậy, trên thực tế, khối lượng đất, trầm tích bị nhiễm chất độc hóa học ở đây còn có thể lớn hơn 250.000m3.

Trong điều kiện có kinh phí, Việt Nam phải mất hơn 5 năm mới xử lý hết khối lượng đất này.

Ông Sơn nhấn mạnh, lượng chất diệt cỏ mà Mỹ trung chuyển, lưu trữ và sử dụng ở Sân bay Biên Hòa trong chiến tranh là 98.000 thùng chất da cam, hơn 60.000 thùng chất xanh và chất trắng.

Từ năm 1969-1970, tại sân bay đã có 2.500 lít chất trắng và 25.000 lít chất da cam bị tràn ra ngoài từ các bể chứa.

Từ năm 2000-2004, Bộ Quốc phòng đã nghiên cứu và xác định nồng độ dioxin trung bình tại sân bay Biên Hòa khoảng 35.000 ppt.

Nghiên cứu còn cho thấy, nồng độ ppt trong máu của những người đánh bắt cá trong Sân bay Biên Hòa là 2.000 ppt (tỷ lệ cho phép của tổ chức WHO là 10 ppt).

Đây là những lý do khiến Sân bay Biên Hòa trở thành nơi bị nhiễm dioxin nặng nhất, lâu nhất và lớn nhất không chỉ ở Việt Nam mà còn cả trên thế giới.

Theo đại diện Bộ Quốc phòng, những năm qua, với nguồn kinh phí khoảng 73 tỷ đồng, Bộ đã xử lý gần 100.000m3 đất bị nhiễm dioxin trên diện tích 4,3ha bằng phương pháp chôn lấp cô lập.

Việc chôn lấp đã cách ly hoàn toàn đất nhiễm với môi trường bên ngoài, ngăn không cho dioxin phát tán vào môi trường, góp phần đảm bảo sức khỏe của cộng đồng.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã xây dựng công trình ngăn chặn tạm thời sự lan tỏa của dioxin tại Sân bay Biên Hòa ra môi trường xung quanh.

Tại hội thảo, ông Bakhodir Burkhanov, Phó Giám đốc Quốc gia Chương trình UNDP cho biết từ năm 2009, UNDP đã tăng cường hỗ trợ Chính phủ Việt Nam nhằm xử lý ô nhiễm dioxin ở các điểm nóng.

Tại thành phố Biên Hòa, Dự án UNDP đã tiến hành đánh giá ô nhiễm dioxin ở các khu vực trong sân bay để xác định quy mô và phạm vi của ô nhiễm; thử nghiệm ba công nghệ xử lý dioxin tiềm năng trong phòng thí nghiệm cũng như trên thực tế; hoàn thành các biện pháp tạm thời nhằm ngăn chặn sự lây lan của dioxin đến các khu vực lân cận.

Đất bị ô nhiễm ở Biên Hòa có đặc điểm và thành phần chưa từng được thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Vì vậy, việc cải tạo môi trường và quy hoạch sử dụng đất ở trong và xung quanh sân bay đòi hỏi nỗ lực chung từ nhiều phía.

Ông Bakhodir Burkhanov khẳng định ô nhiễm dioxin có liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe, thậm chí gây khuyết tật.

Đất bị nhiễm dioxin thường trở thành trầm tích trong các hồ và sông, lây nhiễm sang cá, các động vật khác và cuối cùng là thức ăn của con người.

Điều quan trọng là người dân địa phương cần nhận thức rõ những rủi ro của dioxin đối với sức khỏe và sinh kế của họ.

Ô nhiễm chất độc tại Sân bay Biên Hòa và vùng phụ cận có quy mô lớn và nồng độ cao, song khi tiến hành xử lý đất cần dùng công nghệ gì là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Theo ông Lê Kế Sơn, Giám đốc Dự án quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, trên thế giới, nhiều nước đã áp dụng công nghệ sinh học, hóa học để xử lý dioxin, tuy nhiên ở Việt Nam vì ô nhiễm quá nặng nề, diện tích lớn và thời tiết khắc nghiệt nên những công nghệ này khi thực hiện đều thất bại.

Từ năm 2007-2011, Trung tâm Công nghệ xử lý Môi trường (Bộ Tư lệnh Hóa học) đã sử dụng công nghệ chôn lấp, cách ly để xử lý gần 100.000m3 đất nhiễm tại Sân bay Biên Hòa.

Năm 2012, Ban Chỉ đạo 33 cũng áp dụng công nghệ này và xử lý thành công 7.500m3 đất nhiễm dioxin tại Sân bay Phù Cát (Bình Định).

Trong khi chờ công nghệ xử lý triệt để ô nhiễm chất độc hóa học, việc áp dụng công nghệ chôn lấp, cách ly là giải pháp hiệu quả, phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Kết luận hội thảo, ông Lê Kế Sơn, Giám đốc Dự án quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam cho biết tại hội thảo này, các đại biểu đến từ các cơ quan thuộc Chính phủ Việt Nam, các tổ chức quốc tế, nhà khoa học đã đưa ra nhiều ý kiến, dẫn chứng thuyết phục, qua đó giúp chúng ta thấy được một cách toàn diện thực trạng ô nhiễm dioxin tại Sân bay Biên Hòa.

Ban Chỉ đạo 33 sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp các ý kiến để lựa chọn phương pháp xử lý chất độc hóa học phù hợp nhất tại Sân bay Biên Hòa và vùng phụ cận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục