Cần "phép lạ" để cứu bé gái có chiếc đầu khổng lồ

Với căn bệnh não úng thủy, đầu của bé gái 18 tháng tuổi Roona Begum đã phình to với chu vi lên tới 91cm,gây áp lực lên não bộ.
Cha của em bé Ấn Độ bị bệnh não úng thủy với chiếc đầu phình to thu hút sự chú ý của toàn thế giới đã tuyệt vọng nói rằng chỉ có phép lạ mới cứu được con gái anh.

Bé gái 18 tháng tuổi Roona Begum được chẩn đoán tràn dịch não, não úng thủy, chỉ vài tuần sau khi cô bé ra đời trong một bệnh viện nhà nước tại bang Tripura phía Đông bắc Ấn Độ.

Căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng này đã khiến chu vi đầu của Roona tăng lên đến 91cm, gây áp lực lên bộ não của cô bé.

Cha cô bé, anh Abdul Rahman (18 tuổi), sống trong một túp lều với gia đình của mình tại ngôi làng Jirania Khola, cho AFP biết anh đang cầu mong một “phép lạ” sẽ cứu đứa con duy nhất của mình.

“Ngày qua ngày, tôi nhìn thấy đầu con bé phát triển to hơn so với lúc nó được sinh ra,” chàng trai lao động mù chữ, làm việc trong một nhà máy sản xuất gạch, cho biết.

Các bác sỹ cho biết anh phải tới một bệnh viện chuyên khoa tại một thành phố lớn như Kolkata tại phía đông Ấn Độ để được trợ giúp y tế nhưng Rahman, người chỉ kiếm được 150 rupee (2,75USD một ngày) nhờ làm việc trong lò gạch, nói rằng anh không có tiền cho con đi chữa bệnh.

 “Thật khó khăn khi phải nhìn con bé chịu đau đớn. Tôi cầu nguyện vài lần một ngày để có được phép lạ - một điều gì đó tốt hơn cho con gái tôi,” anh nói.

Viện nghiên cứu quốc gia về rối loạn thần kinh và đột quỵ của chính phủ Mỹ ước tính có khoảng 1/500 trẻ em bị não úng thủy.

Cách điều trị phổ biến nhất là phẫu thuật chèn một hệ thống để dẫn dịch từ não tới một bộ phận khác của cơ thể nơi có thể dễ dàng hấp thụ dịch này.

Các trường hợp như của Roona, khi đầu tăng gấp đôi kích thước trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, là một trường hợp rất hiếm, Sandeep Vaishya, nhà giải phẫu thần kinh hàng đầu của Ấn Độ cho biết.

“Thật khó để đánh giá trường hợp này khi chưa được nhìn thấy bệnh nhân, nhưng phẫu thật, ngay cả khi đã muộn, sẽ mang lại cơ hội tốt nhất để cho bộ não của cô bé có thể phát triển bình thường,” Vaishya cho AFP biết.

Vaishya, người đứng đầu về giải phẫu thần kinh tại bệnh viện hàng đầu Fortis ở Gurgaon, thành phố vệ tinh của thủ đô Delhi, cho biết các cuộc phẫu thuật để điều trị bệnh não úng thủy “không quá rủi ro.”

Mặc dù chi phí chữa trị tùy theo các trường hợp khác nhau, ông ước tính một ca phẫu thuật phức tạp như thế này sẽ tốn khoảng 125.000 rupee (2.300 USD) và đòi hỏi phải nằm viện trong 3 ngày.

Roona hiện đang phải nằm trên giường và không thể cử động đầu nhưng cô bé là một đứa trẻ vui vẻ, rất dễ cười và có thể cử động tay chân, bố cô bé cho biết.

Cô bé đã vượt qua được dự đoán ban đầu của bác sỹ rằng cô chỉ có thể sống sót được trong vòng hai tháng.

Cần "phép lạ" để cứu bé gái có chiếc đầu khổng lồ ảnh 1
Cha con bé Roona rất cần sự giúp đỡ từ các nhà hảo tâm để cứu cô bé (Nguồn: AFP)

Nhưng mẹ cô bé, Fatema Khatun, 25 tuổi, nói rằng sức khỏe của cô bé đang trở nên tệ hơn và cô đang cần sự giúp đỡ.

“Tình hình của con bé đang trở nên tệ hơn. Nó ăn ngày một ít hơn, thường xuyên nôn và tôi có thể thấy rõ nó đang gầy đi,” Khatun cho AFP biết./.


Kim Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Toàn cảnh mùa giải Nobel năm 2024

Toàn cảnh mùa giải Nobel năm 2024

Lễ trao các giải Nobel Y Sinh, Vật lý, Hóa học, Kinh tế năm 2024 sẽ được tổ chức tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển), riêng giải Nobel Hòa bình sẽ được trao tại thủ đô Oslo (Na Uy) vào ngày 10/12.