Trong vụ phá rừng pơmu nghiêm trọng xảy ra tại khu vực biên giới thuộc xã La Dêê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam mặc dù vị trí tập kết gỗ nằm gần Trạm Biên phòng cửa khẩu Nam Giang và địa điểm phá rừng nằm ngay cạnh đường mòn tuần tra biên phòng nhưng vụ việc lại được phát hiện bởi chính người dân địa phương thuộc các nhóm bảo vệ rừng.
Ngày 8/7, những thành viên của nhóm 8 và nhóm 9 nhận khoán bảo vệ rừng của xã La Dêê là những người đầu tiên phát hiện địa điểm tập kết cũng như vị trí phá rừng pơmu tại khu vực tiểu khu 351 thuộc rừng phòng hộ Nam Sông Tranh.
Ông Brao Nghiêm, Tổ trưởng của nhóm 9 cho biết sáng 8/7, nhóm 9 gồm 15 thành viên đi tuần tra theo hướng đường mòn gần khu vực cửa khẩu Nam Giang nên đã trình giấy tờ cho cán bộ đội biên phòng tại Trạm cửa khẩu biên phòng Nam Giang để vào khu vực rừng thuộc tiểu khu 351.
Đến 8 giờ 30 phút cùng ngày, nhóm 9 bất ngờ phát hiện khu vực tập kết gỗ pơmu với những phách gỗ lớn được xẻ vuông vức nằm ngổn ngang, chỉ cách Trạm cửa khẩu biên phòng Nam Giang khoảng 500m.
Ngay lập tức, nhóm bảo vệ rừng số 9 tiến hành bảo vệ hiện trường và cử người báo về cho các cơ quan chức năng.
Đến trưa 8/7, nhóm bảo vệ rừng số 8 cùng tham gia tuần tra tại tiểu khu 351 ở một hướng khác đã bất ngờ phát hiện địa điểm những cây pơmu cổ thụ bị "lâm tặc" đốn hạ, nhiều phách gỗ pơmu lớn vẫn còn nằm ngổn ngang trong rừng.
Ông Alăng Ngôn, Tổ phó của nhóm 8 có mặt tại hiện trường thời điểm đó cho biết khi các thành viên của nhóm tiếp cận hiện trường không thấy có người nào tại đây; chỉ phát hiện những cây pơmu cổ thụ đã bị chặt hạ không thương tiếc, các lán trại và những can xăng, dầu của "lâm tặc" để lại.
Theo kinh nghiệm của ông Alăng Ngôn, để cưa được những cây gỗ pơmu lớn và tiến hành xẻ thành những phách gỗ đẹp, chuyên nghiệp với chiều dài hơn 2m, bề rộng gần 40 cm thì người tại địa phương không thể làm được mà chỉ có thể người từ nơi khác đến.
Với những phách gỗ to và nặng như vậy, ít nhất phải 4 người vác mới có thể đưa ra khỏi rừng vì đường đi rất khó khăn với nhiều đoạn dốc. Còn theo ông Brao Nghiêm, đây là vụ phá rừng lớn nhất từ trước đến nay xảy ra trên địa bàn xã.
Bà con đồng bào dân tộc Tà riềng ở đây rất ý thức chấp hành nghiêm quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng.
Mặc dù, vụ việc đã được phát hiện cách đây hơn 20 ngày và đang được các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra nhưng tâm lý của của bà con rất hoang mang và hoài nghi.
Chính vì vậy, người dân địa phương mong muốn cần sớm đưa ra ánh sáng pháp luật những kẻ phá rừng.
Xã La Dêê có diện tích tự nhiên trên 11.378 ha. Trong đó, diện tích rừng đặc dụng là 4.368 ha do Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh quản lý; diện tích rừng phòng hộ là hơn 1.993 ha do Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung quản lý; diện tích rừng sản xuất do xã La Dêê quản lý là hơn 1.818 ha.
Hiện nay, hai chủ rừng là Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh và Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung đã tiến hành ký chi trả dịch vụ môi trường rừng với 27 nhóm hộ bảo vệ rừng trên địa bàn xã La Dêê.
Các nhóm hộ bảo vệ rừng gồm ít nhất 14 thành viên trở lên, tùy thuộc vào diện tích nhận bảo vệ và chịu sự giám sát của chính quyền xã. Hàng tháng, các nhóm bảo vệ rừng sẽ đi tuần tra hai lần ở các khoảnh rừng được giao.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã La Dêê ông Brao Ngưu cho biết: thời gian qua, công tác phối hợp giữa các lực lượng như biên phòng, kiểm lâm và các nhóm bảo vệ rừng của người dân khá lỏng lẻo, trong khi đây là khu vực biên giới, diện tích rừng tự nhiên rất lớn.
Đối với địa phương, hàng tháng đều phê duyệt kế hoạch cho các nhóm hộ bảo vệ rừng tự đi tuần tra.
Tuy nhiên, sau khi vụ việc phá rừng pơmu bị phanh phui, các nhóm hộ bảo vệ rừng cũng rất e ngại trong quá trình đi tuần vì sợ bị "lâm tặc" quay lại trả thù trong khi không có công cụ tự bảo vệ.
Thời gian tới, xã đề nghị cần xây dựng quy chế phối hợp tuần tra bảo vệ rừng giữa các lực lượng phải chặt chẽ hơn, nhất là ở khu vực vành đai biên giới.
Đồng thời, các chủ rừng cũng cần nâng mức phí chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các nhóm hộ để tăng số lần tổ chức đi tuần tra.
Hiện nay, mức phí chỉ có 180.000 đồng/ha/ năm, không đủ cho chi phí đi lại của các thành viên trong nhóm.
Thâm nhập vào hiện trường vụ phá rừng pơmu tại tiểu khu 351, theo quan sát của phóng viên có hai khu vực bị chặt phá.
Địa điểm đầu tiên đi bộ khoảng 1 giờ đồng hồ theo đường mòn từ cột mốc biên giới 717 vào sâu trong rừng, với khoảng 10 cây pơmu đã bị đốn hạ ở vị trí gần nhau.
Địa điểm thứ 2, phải tiếp tục đi vào sâu trong rừng gần 1 giờ đồng hồ nữa. Tại đây, có khoảng 50 cây pơmu bị lâm tặc chặt phá nằm rải rác.
Điều đáng nói là tại hai địa điểm phá rừng pơmu thuộc tiểu khu 351 nằm rất gần với con đường mòn tuần tra của lực lượng biên phòng.
Theo các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam, tổng số lượng gỗ tạm giữ từ ngày 8/7 đến nay là 591 phách gỗ pơmu, 8 bi gỗ pơmu, 3 phách gỗ dổi với tổng khối lượng hơn 44m3 gỗ.
Hiện nay, Công an tỉnh Quảng Nam đã lập chuyên án, huy động lực lượng, khẩn trương tổ chức điều tra, củng cố chứng cứ xử lý vụ việc theo quy định pháp luật, không để bỏ lọt tội phạm.
Dư luận người dân đang rất mong chờ các cơ quan chức năng sớm kết luận, đưa ra truy cứu trách nhiệm pháp lý những cá nhân có liên quan đến vụ phá rừng nghiêm trọng này./.