Lễ hội Tống ôn (hay còn gọi là Tống phong, Tống gió) là một lễ hội cầu an truyền thống của ngư dân.
Tại Xóm Chài, phường Hưng Phú, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ, lễ hội này đã được duy trì hơn 100 năm qua với nhiều hoạt động sôi nổi, diễn ra thường niên, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân cũng như khách du lịch.
Theo thông lệ của người dân địa phương, Lễ hội Tống ôn diễn ra hàng năm trong ba ngày từ ngày 12-14 tháng Giêng Âm lịch (nhằm ngày 21-23/2), trong đó các lễ chính (bao gồm nghi thức Tống ôn) sẽ diễn ra trong ngày 14 tháng Giêng, với nhiều hoạt động văn hóa, đậm chất sông nước miền Tây. Nghi thức tống ôn thu hút hàng trăm ghe, tàu lớn nhỏ tham gia lễ hội trên sông Hậu.
Ông Trần Văn Lộc, Trưởng ban Hộ tề miếu Bà Chúa Xứ Xóm Chài, cho biết lễ hội gồm có lễ Cầu an, cúng Bà, cúng Thổ thần và người khuất mặt, thả bè ra sông lớn, múa lân và cầu an… Đặc biệt, nghi thức "đi nghinh" nhằm cầu an lành, tiễn đưa, xua đuổi tất cả những điều xấu xa, khó khăn, bệnh tật… ra khỏi xóm làng; mong cầu quốc thái dân an, làm ăn phát tài, phát lộc.
Trước khi diễn ra nghi thức ''đi nghinh'' (tức tống bè thủy lục với hàng trăm tàu bè dập dìu, múa lân trên sông để tống ôn, té nước) vào chiều 14/1 Âm lịch vài ngày, người dân Xóm Chài sẽ cùng nhau tất bật chuẩn bị đầy đủ mâm cúng cầu bình an, may mắn. Đồng thời, tại sân Miễu Bà Xóm Chài, dưới sự hướng dẫn của những người đàn ông lớn tuổi, thanh niên trai tráng chung sức hoàn thành những chiếc tàu-bè chuẩn bị cho lễ hội Té nước.
Ngay thời điểm nước lớn, Ban tổ chức đưa tàu "Tống ôn" của xóm lên tàu lớn, bắt đầu diễu hành trên sông. Sau hơn 1 giờ diễu hành, đoàn tàu di chuyển ra giữa sông Hậu rồi làm lễ hạ thủy Tống ôn. Khi hoàn thành, người dân múc nước sông rửa tàu, tạt vào nhau. Đây là hình thức tống đi các xui xẻo, chúc nhau Năm Mới nhiều thuận lợi, bình an.
Ông Trần Văn Lộc cho biết thêm mỗi kỳ lễ hội Tống ôn đều có hơn 100 ghe, tàu hộ tống bè thủy lục để tống ra sông lớn, với sự tham gia của hàng ngàn người. Ngót nghét đã hơn 100 năm, trải qua bao thế hệ, lễ hội luôn là niềm tự hào của người dân địa phương, năm sau tổ chức lại lớn hơn năm trước, đông người tham gia hơn năm trước.
Tham gia lễ hội, anh Dương Trí Đức, thương hồ tại Chợ Nổi Cái Răng, cho biết gia đình anh có nghề gia truyền là buôn bán trên sông nước, nên anh rất quan tâm đến lễ hội này, năm nào không tham gia được sẽ cảm thấy việc buôn bán kinh doanh không thuận buồm xuôi gió.
Lễ hội năm nay có phần quy mô hơn những năm trước, bao gồm phần lễ và hội. Riêng tại Xóm Chài, quận Cái Răng, người dân nơi đây rất quan tâm và xem đây là cơ hội để thắt chặt tình làng nghĩa xóm.
Ông Nguyễn Văn Minh, ở phường Hưng Phú, quận Cái Răng, cho biết bản thân ông đã cùng ông bà, cha mẹ tham gia lễ hội từ lúc còn nhỏ cho đến bây giờ khi ông đã trên 70 tuổi. "Lễ hội này hàng năm là cúng lệ, con cháu của Xóm Chài dù đi xa, thậm chí ở nước ngoài cũng sẽ thu xếp về dự lễ. Người đi đốn tre, người đi đốn trúc, người đi đốn chuối, người đi làm bè… để hoàn thành bổn phận con cháu trong lễ hội," ông Minh chia sẻ.
Ngoài Miễu Bà Xóm Chài, quận Cái Răng, Lễ hội Tống ôn hiện còn được lưu giữ tại nhiều địa phương ở Cần Thơ như phường Thốt Nốt (quận Thốt Nốt), xã Nhơn Ái, xã Nhơn Nghĩa, thị trấn Phong Ðiền (huyện Phong Ðiền), phường An Cư, phường An Bình (quận Ninh Kiều), phường Hưng Phú (quận Cái Răng)...
Với những giá trị của lễ hội kèm theo sự chuẩn bị chu đáo của người dân, những năm gần đây, ngành du lịch Cần Thơ đã có những định hướng đưa lễ hội này trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo để bảo tồn và phát triển, góp phần thu hút thêm nhiều du khách đến với Cần Thơ trong dịp đầu Xuân./.
Di sản Văn hóa Quốc gia Lễ hội Đom Lơng Néak Tà của người Khmer ở Trà Vinh
Đồng bào Khmer tổ chức lễ hội Đom Lơng Néak Tà vào thời gian giao mùa giữa mùa nắng và mùa mưa (sau lễ Chol Chnam Thmây) để cầu mưa, cầu mùa màng tươi tốt, con người mạnh khỏe, bình an.