Ngày 22/10, triều cường ở thành phố Cần Thơ bất ngờ dâng lên mức 2,1m, vượt báo động III là 0,1 m. Đợt triều cường này được dự báo sẽ có đỉnh triều cao xấp xỉ kỳ triều cường rằm tháng 9 cách đây hai tuần.
Theo Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự-Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ, trong 3 ngày qua, mực nước trên các sông, rạch trên địa bàn tiếp tục lên nhanh và cao theo kỳ triều cường đầu tháng 10 âm lịch.
Cụ thể, mực nước cao nhất ngày vào lúc 3 giờ 30 phút sáng 22/10 trên sông Hậu đo tại trạm Cần Thơ là 2,1m, cao hơn sáng 21/10 là 0,19m. Nhiều tuyến đường nội ô các quận trung tâm thành phố tiếp tục ngập sâu trong nước.
Trước đó, Đài Khí tượng Thủy văn thành phố Cần Thơ dự báo đến ngày 23/10 nước mới lên cao qua khỏi báo động III. Đỉnh của đợt triều cường đầu tháng 10 âm lịch có thể xuất hiện trong các ngày từ 26-28/10 với mực nước từ 2,10-2,15m (vượt báo động III từ 0,1-0,15m).
Trước diễn biến nhanh bất ngờ của triều cường, trong bản tin phát ngày 22/10, Đài Khí tượng Thủy văn thành phố Cần Thơ nhận định rằng đỉnh triều cao nhất đợt này có khả năng lên mức 2,22-2,27m, cao hơn so với dự báo trước đó và xấp xỉ đỉnh của đợt triều cường rằm tháng Chín âm lịch vừa qua.
Thời gian xuất hiện mực nước đỉnh triều hàng ngày vào lúc sáng sớm vào lúc từ 4 giờ đến 6 giờ và chiều tối vào lúc từ 16-18 giờ.
Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn thành phố Cần Thơ, đây cũng là đợt triều cường có đỉnh triều lên mức rất cao. Cần chú ý đề phòng trong thời gian triều lên kết hợp với mưa lớn sẽ gây ngập úng trên diện rộng tại các khu vực trũng thấp, vùng nội đô ven sông của thành phố. Mức độ rủi ro thiên tai cấp độ 2.
[Thành phố Cần Thơ: Triều cường gây ngập nặng nhiều khu vực nội đô]
Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự-Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ yêu cầu thành viên Ban Chỉ huy, Ủy ban Nhân dân quận, huyện tiếp tục triển khai chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ tại Công văn số 4037/UBND-KT ngày 9/10.
Sở Giao thông Vận tải thành phố chủ trì, phối hợp với Công an thành phố, Bộ Chỉ huy Quân sự, Thành Đoàn Cần Thơ, Ủy ban Nhân dân quận, huyện và các đơn vị có liên quan chủ động khắc phục nhanh sạt lở trên các tuyến giao thông; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện tại các khu vực trọng điểm, xung yếu có nguy cơ sạt lở để sẵn sàng khắc phục khi xảy ra sự cố; tăng cường lực lượng, tổ chức ứng trực, sẵn sàng có mặt để phân luồng, chủ động phương án khắc phục sự cố giao thông tại các giao lộ và các điểm ngập sâu; hỗ trợ, cứu hộ xe của người dân khi bị chết máy do đường ngập sâu.
Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Ủy ban Nhân dân các quận, huyện triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho trẻ em và học sinh trong tổ chức đưa đón; căn cứ vào dự báo tình hình triều cường, chủ động quyết định phương án điều tiết thời gian đến trường, tan học, tạm nghỉ cho phù hợp.
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Công ty Điện lực Cần Thơ, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện kiểm tra các công trình, mức độ an toàn lưới điện, trạm biến áp ngầm, nổi để đảm bảo an toàn (đặc biệt ở các trường học, khu dân cư bị ngập sâu).
Các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng tăng cường kiểm tra, vận hành có hiệu quả các van ngăn triều để hạn chế tối đa nước từ sông Hậu theo các đường cống chảy ngược vào đô thị; kiểm tra các nắp hố ga trên các tuyến đường, vỉa hè tránh hố sâu nguy hiểm; tổ chức thu gom rác ở các miệng cống thoát nước để tránh gây ngập nghẹt khi triều cường rút.
Trong đợt điều cường rằm tháng Chín âm lịch cách đây hai tuần, mực nước ở Cần Thơ đã lập mốc lịch sử mới 2,27m, gây ngập sâu nhiều khu vực nội ô thành phố, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.
Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ cũng cho học sinh nghỉ học 5 ngày để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng của triều cường./.