Cần tôn trọng sự thật về tình hình tôn giáo tại Việt Nam

Quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam được quy định rõ trong Hiến pháp và được pháp luật bảo vệ. Hiện, Việt Nam có 24 triệu tín đồ của 39 tổ chức tôn giáo, 1 pháp môn tu hành, chiếm 27% dân số.
(Ảnh minh họa: Duy Khương/TTXVN)

Bộ Ngoại giao Mỹ vừa công bố cái gọi là "Phúc trình thường niên 2016 về tự do tôn giáo thế giới."

Trong đó, dù ghi nhận một số tiến bộ của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền tự do tôn giáo, song bản phúc trình này vẫn giữ những luận điểm cũ, xáo mòn cùng những đánh giá không dựa trên thực tế về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam khi tiếp tục cáo buộc Việt Nam “hạn chế tự do tôn giáo,” “kiểm soát, ngăn cấm hoạt động của các tổ chức tôn giáo không được thừa nhận..."

Đây là những đánh giá phiến diện, thiếu khách quan, không phản ánh đúng thực tế đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam được quy định rõ trong Hiến pháp và được pháp luật bảo vệ. Mọi công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật.

Cho đến nay, Nhà nước Việt Nam đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 39 tổ chức tôn giáo, 1 pháp môn tu hành, với trên 24 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số. Cả nước có gần 53.000 chức sắc, 133.700 chức việc, 28.000 cơ sở thờ tự. 

[Câu chuyện đốt vàng mã mùa Vu Lan từ góc nhìn Phật giáo]

Trong những năm qua, nền tảng pháp luật về tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể. Bên cạnh Hiến pháp năm 2013, Pháp lệnh số 21 về tín ngưỡng, tôn giáo năm 2014, Nghị định 92 năm 2012 về thực thi Pháp lệnh 21, Quốc hội Việt Nam đã chính thức thông qua Luật tín ngưỡng, tôn giáo vào tháng 11/2016 và dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.

Với những quy định mới được bổ sung, Luật tín ngưỡng, tôn giáo mới đã kế thừa, phát huy những ưu điểm của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhằm đảm bảo tốt hơn nữa quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người. Luật tín ngưỡng, tôn giáo cũng được đánh giá là một bước tiến mới trong vấn đề đảm bảo hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta, phù hợp với xu thế hội nhập của thế giới trong tình hình hiện nay.

Mọi sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam đều diễn ra bình thường, không bị cản trở. Những ngày lễ của các tôn giáo được tổ chức trọng thể theo đúng nghi thức, thu hút sự tham gia của đông đảo tín đồ. Bên cạnh đó, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành không ngừng được duy trì và mở rộng. Nhiều chức sắc và nhà tu hành Việt Nam được cử đi đào tạo ở Mỹ, Pháp, Italy, Ấn Ðộ....

Đại diện chức sắc các tôn giáo đã tham gia đối thoại tôn giáo, tín ngưỡng, giao lưu học hỏi, trao đổi giáo lý và giáo luật tại các diễn đàn lớn như: Diễn đàn hợp tác Á- Âu (ASEM), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)... Việt Nam cũng có quan hệ với Vatican kể từ năm 1989 và Vatican đã cử Ðại diện không thường trú tại Việt Nam từ năm 2011. Các tổ chức nhân quyền và tôn giáo quốc tế đã nhiều lần đến thăm, làm việc, khảo sát thực tế và thừa nhận việc đảm bảo quyền con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Ông Bob Roberts, mục sư cao cấp của Hội thánh Tin lành Northwood với 130 nhà thờ trên khắp nước Mỹ, đã nhận xét rằng: “Các tôn giáo ở Việt Nam đều đang phát triển. Tôi thấy rằng Chính phủ Việt Nam đang tạo điều kiện để người dân được thực hành tôn giáo của mình." Đặc biệt, việc Việt Nam trúng cử với số phiếu cao nhất vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016 một lần nữa thể hiện sự ghi nhận, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với chính sách và nỗ lực của Việt Nam trong đảm bảo các quyền con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo.

Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của mọi công dân, nhưng không chấp nhận các hoạt động lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để vi phạm pháp luật. Việt Nam kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để hoạt động mê tín dị đoan, trục lợi, gây rối an ninh trật tự, kích động chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá Đảng và Nhà nước, làm tổn hại lợi ích quốc gia, làm cản trở tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Cũng như mọi quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ, Nhà nước Việt Nam không cho phép bất kỳ tôn giáo nào được đứng ngoài vòng pháp luật. Việt Nam không ngăn cấm các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, mà chỉ ngăn chặn và xử phạt nghiêm khắc những kẻ lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động trái pháp luật. Ngay tại nước Mỹ, luật pháp các bang cũng quy định rất rõ hành vi chống chính quyền và chế tài xử phạt tương ứng. Đặc biệt, các tòa án ở Mỹ cũng rất nghiêm khắc đối với các hành vi truyền bá tư tưởng Hồi giáo cực đoan và bạo lực. Bất kể cá nhân hay tổ chức nào có hành vi nhân danh tôn giáo để tập hợp lực lượng, kích động bạo lực và khủng bố,… đều bị xét xử theo pháp luật.

Bản phúc trình của Bộ Ngoại giao Mỹ đã không phản ánh đúng thực tế đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam cũng như những tiến bộ mà Việt Nam đạt được trong việc đảm bảo quyền tự do tôn giáo. Đã đến lúc Bộ Ngoại giao Mỹ cần có cái nhìn đầy đủ, khách quan, tôn trọng sự thật tình hình tôn giáo ở Việt Nam, phù hợp với xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục