Canada công bố kế hoạch loại bỏ trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch

Canada là quốc gia đầu tiên trong Nhóm G20 thực hiện cam kết loại bỏ các khoản trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch. Kế hoạch này sẽ được chính phủ áp dụng bằng các biện pháp thuế và phi thuế hiện nay.
Khí thải phát ra từ một nhà máy lọc dầu ở Fort McMurray, Canada.( Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 24/7, Canada đã công bố kế hoạch loại bỏ các khoản trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch và trở thành quốc gia đầu tiên trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thực hiện cam kết năm 2009 nhằm hợp lý hóa và loại bỏ trợ cấp đối với khu vực này.

Theo Bộ trưởng Mội trường và Biến đổi khí hậu Steven Guilbeault, các khoản trợ cấp này khuyến khích tiêu dùng lãng phí, làm giảm an ninh năng lượng, cản trở đầu tư vào năng lượng sạch và làm giảm nỗ lực đối phó với biến đổi khí hậu.

Ông này khẳng định Canada đang loại bỏ các khoản trợ cấp để sản xuất nhiên liệu hóa thạch ở nước này, ngoại trừ những khoản trợ cấp đó là nhằm giảm lượng khí thải carbon của chính khu vực này.

[Công nghệ thu giữ CO2 không thể là "đèn xanh" cho nhiên liệu hóa thạch]

Kế hoạch này sẽ áp dụng bằng các biện pháp thuế và phi thuế hiện nay, nhưng Chính phủ chưa hủy bỏ các thỏa thuận trợ cấp nhiều năm đang được thực hiện.

Các chuyên gia nhận định khuôn khổ này là một bước tiến quan trọng, nhưng không nên tiếp tục cho phép Chính phủ hỗ trợ các dự án dầu khí mà nên đặt ra kế hoạch giảm phát thải thông qua các công nghệ như thu hồi và cất giữ carbon.

Theo kế hoạch, các hoạt động liên quan tới nhiên liệu hóa thạch sẽ được miễn trừ nếu chúng thuộc 1 trong 6 loại như tạo điều kiện giảm khí thải carbon, hỗ trợ năng lượng sạch, cung cấp năng lượng thiết yếu cho vùng sâu vùng xa hoặc hỗ trợ ngắn hạn cho ứng phó khẩn cấp, hỗ trợ người bản địa tham gia các hoạt động nhiên liệu hóa thạch hoặc là các dự án có kế hoạch đạt mức không phát thải.

Việc loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch cũng là một phần trong thỏa thuận giữa Đảng Tự do với Đảng Dân chủ mới (NDP), giúp Chính phủ thiểu số của Thủ tướng Justin Trudeau có thể hoạt động ổn định.

Canada sẽ đệ trình kế hoạch của mình để các quốc gia khác trong G20 xem xét, với hy vọng quá trình này sẽ được hoàn thành vào năm 2024.

Canada có trữ lượng dầu thô đã được ghi nhận lớn thứ ba thế giới và dầu khí chiếm tới 7% GDP cũng như 1/5 hàng hóa xuất khẩu. Nước này đã hỗ trợ 20 tỷ CAD (hơn 15 tỷ USD) cho ngành dầu khí của họ vào năm ngoái./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục