Ngày 5/7, Liên hợp quốc kêu gọi đầu tư quy mô lớn cho năng lượng sạch ở các nước đang phát triển, nếu không sẽ có rất ít hy vọng để đạt được các mục tiêu khí hậu vào năm 2030.
Theo Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), các nước đang phát triển cần các khoản đầu tư cho năng lượng tái tạo trị giá khoảng 1.700 tỷ USD mỗi năm nhưng mới chỉ thu hút được khoảng 544 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài cho năng lượng sạch trong năm 2022.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết thế giới sẽ không được đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng và không thể bảo vệ Trái Đất và tương lai nếu lĩnh vực tư nhân không đầu tư quy mô lớn cho năng lượng tái tạo ở các nước đang phát triển.
Ông cho biết thế giới đang hành động chậm ít nhất là 10 năm trong các nỗ lực nhằm giảm thiểu tình trạng ấm lên toàn cầu.
Do đó, đầu tư cho năng lượng tái tạo ở các nước đang phát triển là việc cần thiết và thường là cách tiết kiện nhất để lấp đầy khoảng trống năng lượng.
Tuy nhiên, trong khi chuyển đổi sang năng lượng sạch đang là ưu tiên toàn cầu thì các khoản đầu tư cho cơ sở hạ tầng năng lượng và hiệu quả sử dụng năng lượng vẫn thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu thực tế.
Theo báo cáo Đầu tư Thế giới của UNCTAD, kể từ khi Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu được ký kết năm 2015, các khoản đầu tư cho năng lượng tái tạo đã tăng gấp 3 nhưng phần tăng tập trung chủ yếu ở các nước phát triển.
Tổng Thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan cho rằng thách thức vẫn còn rất lớn. Việc tăng đáng kể đầu tư cho các hệ thống năng lượng sạch ở các nước đang phát triển là điều cần thiết để thế giới đạt được các mục tiêu khí hậu vào năm 2030.
UNCTAD kêu gọi giảm nợ cho các nước đang phát triển để dành ngân sách đầu tư cho chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Báo cáo của UNCTAD cũng chỉ ra trợ cấp nhiên liệu hóa thạch trên thế giới vẫn tăng lên mức cao kỷ lục trong năm 2022 là 1.000 tỷ USD, cao gấp 8 lần trợ cấp cho năng lượng tái tạo.
[LHQ lo ngại thế giới đi chệch hướng trong cuộc chiến biến đổi khí hậu]
Việc dành các khoản trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch có thể được hiểu là một sự cản trở đầu tư cho chuyển đổi sang năng lượng tái tạo vì khiến nguồn năng lượng này khó cạnh tranh hơn, đặc biệt khi năng lượng tái tạo không nhận được cùng một mức trợ cấp như nhiên liệu hóa thạch.
Theo UNCTAD, dù việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch còn phức tạp, đặc biệt là ở các nước đang phát triển nhưng làm được điều này sẽ giúp khuyến khích đầu tư cho năng lượng tái tạo.
Trước đó, trong báo cáo mới công bố, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo sản lượng năng lượng tái tạo mới sẽ tăng 107 gigawatt so với năm 2022, mức tăng kỷ lục, lên hơn 440 gigawatt trong năm 2023.
Sản lượng năng lượng tái tạo tăng thêm của cả thế giới năm 2023 dự kiến sẽ cao hơn 30% so với năm ngoái trong bối cảnh có nhiều quan ngại về an ninh năng lượng liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.
Đóng góp phần lớn vào mức tăng này là việc triển khai mạnh mẽ các hệ thống năng lượng mặt trời và năng lượng gió, phản ánh nhu cầu tìm những giải pháp thay thế nhiên liệu hóa thạch./.