Canada thông qua dự luật tăng quyền cho cơ quan tình báo

Hạ viện Canada ngày 6/5 đã thông qua dự luật chống khủng bố gây tranh cãi C-51 của chính phủ liên bang, tăng thêm quyền hạn cho các cơ quan tình báo nước này.
Canada thông qua dự luật tăng quyền cho cơ quan tình báo ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: boston.com)

Hạ viện Canada ngày 6/5 đã thông qua dự luật chống khủng bố gây tranh cãi C-51 của chính phủ liên bang, tăng thêm quyền hạn cho các cơ quan tình báo nước này cũng như lần đầu tiên cho phép các cơ quan này tiến hành hoạt động ở bên ngoài lãnh thổ Canada.

Với 183 phiếu ủng hộ trên 96 phiếu chống, dự luật C-51 dễ dàng được thông qua tại Hạ viện Canada do đảng Bảo thủ cầm quyền chiếm đa số cùng sự ủng hộ của đảng Tự do.

Luật mới sẽ trao cho Cơ quan tình báo an ninh Canada (CSIS) nhiều quyền hạn hơn để phá vỡ các âm mưu khủng bố ở diện nghi ngờ.

Bên cạnh đó, văn kiện này cũng tăng cường việc trao đổi thông tin an ninh giữa các cơ quan liên bang, mở rộng danh sách các đối tượng cấm bay và quy định dạng phạm tội mới đối với việc khuyến khích tiến hành tấn công khủng bố.

Luật mới cũng cho phép Lực lượng cảnh sát kỵ binh Hoàng gia (RCMP) hạn chế sự di chuyển của đối tượng nghi ngờ và tăng thời gian bắt giữ ngăn chặn.

Bộ trưởng An toàn công Steven Balney khẳng định luật chống khủng bố mới sẽ giữ cho người Canada được an toàn khỏi các cuộc tấn công khủng bố, lấy ý tưởng từ thánh chiến Hồi giáo, tương tự như các cuộc tấn công riêng rẽ hồi tháng 10/2014 đã cướp đi sinh mạng của 2 binh sỹ Canada.

Trong khi đó, những người phản đối dự luật cho rằng việc cho phép CSIS đi xa hơn việc thu thập thông tin đối với các âm mưu nghi ngờ là khủng bố nhằm ngăn chặn “các mối đe dọa đối với quốc gia,” mà trong nhiều trường hợp không cần sự cho phép của các cơ quan tư pháp, có thể đe dọa tự do dân sự mà không có sự giám sát độc lập đầy đủ.

Những người chủ trương tự do dân sự, các nhóm môi trường và các ủy viên của cơ quan liên bang phụ trách quyền riêng tư đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về các điều khoản chia sẻ thông tin, cho rằng các quyền hạn có thể bị lạm dụng.

Đảng Dân chủ Mới đối lập cũng đã cố gắng trong vô vọng với một số đề xuất sửa đổi trong đó có việc giám sát và bảo vệ quyền riêng tư nhiều hơn.

Tuy nhiên, phát biểu trước Ủy ban an ninh quốc gia Thượng viện hồi tuần trước, Cố vấn an ninh quốc gia của Thủ tướng Stephen Harper khẳng định luật mới không đe dọa tự do dân sự như các nhà chỉ trích lo ngại. Theo đó, quyền hạn mới cho phép CSIS ngăn cản các các kế hoạch đi lại, hủy các giao dịch ngân hàng và ngấm ngầm can thiệp các trang mạng cực đoan.

Tuy nhiên, luật mới quy định CSIS cần phải có cơ sở hợp lý để tin rằng mối đe dọa an ninh là có thật trước khi tiến hành các biện pháp can thiệp. Ngoài ra, CSIS phải có lệnh của tòa án mới được thực hiện các biện pháp ngăn chặn trong trường hợp bị xem là vi phạm quy định về các quyền hoặc luật pháp Canada.

Dự luật chống khủng bố mới trên được đưa ra sau khi giới chức Canada thừa nhận nước này đang đối mặt với nguy cơ các phần tử cực đoan sử dụng bạo lực xuất hiện ngay ở trong nước.

Một điều tra dư luận gần đây cho thấy, đa số người Canada phản đối dự luật chống khủng bố mới trong khi chỉ 1/3 số người được hỏi ủng hộ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.