Cảng Hải Phòng có hơn 3.500 container phế liệu tồn đọng quá hạn

Tính đến ngày 1/8 vừa qua, tại cảng Hải Phòng có 3.513 container phế liệu quá thời hạn làm thủ tục hải quan; trong đó có 3.268 container nhựa phế liệu.
Cảng Hải Phòng có hơn 3.500 container phế liệu tồn đọng quá hạn ảnh 1 Bãi tập kết container tại Cảng Đình Vũ, thành phố Hải Phòng. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Tính đến ngày 1/8 vừa qua, tại cảng Hải Phòng có 3.513 container phế liệu quá thời hạn làm thủ tục hải quan; trong đó, có 3.268 container nhựa phế liệu (bao gồm cả màng nhựa, bao jumbo...).

Theo Cục Hải quan thành phố Hải Phòng, số phế liệu quá thời hạn làm thủ tục (từ 30 đến 90 ngày) có 2.513 container, gồm: nhựa phế liệu 2.312 container, nhôm phế liệu 41 container, sắt thép phế liệu 8 container, giấy phế liệu 151 container, kẽm phế liệu 1 container.

Phế liệu quá thời hạn khai hải quan 90 ngày có 1.000 container, gồm: nhựa phế liệu 956 container, nhôm phế liệu 3 container, sắt thép phế liệu 33 container, giấy phế liệu 8 container.

So sánh với số liệu tính đến đến ngày 5/7 vừa qua cho thấy, tổng số lượng container nhựa phế liệu quá thời hạn khai hải quan 30 ngày phát sinh thêm là 1.925 container; trong đó, phát sinh tăng 1.786 container nhựa phế liệu quá thời hạn khai hải quan 30 ngày và 139 container quá thời hạn làm thủ tục hải quan 90 ngày.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng một lượng lớn container chứa các loại phế liệu nhập khẩu đang tồn đọng tại cảng Hải Phòng, đó là doanh nghiệp không đến làm thủ tục hải quan. Hoặc, không được Cục Hải quan thành phố Hải Phòng giải quyết thủ tục thông quan do những lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng các điều kiện quy định về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

Phó Cục trưởng Cục Hải quan thành phố Hải Phòng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 5290/VPCP-KTTH (ngày 5/6/2018) về việc quản lý chặt chẽ nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam, Công văn số 4202/TCHQ-PC (ngày 17/7/2018) của Tổng cục Hải quan về chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan Hải quan địa phương thực hiện các biện pháp siết chặt phế liệu nhập khẩu, Cục Hải quan thành phố Hải Phòng đã lên kế hoạch kiểm soát số container phế liệu quá thời hạn làm thủ tục Hải quan.

Đối với các lô hàng sau kiểm tra xác định là chất thải nguy hại, chất thải và phế liệu có chứa tạp chất là chất thải nguy hại, cụ thể: trường hợp sau xác minh, xác định đủ cơ sở là tang vật thuộc vụ án hình sự, sẽ xử lý theo quy định của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự với các cá nhân, pháp nhân liên quan.

[Giải pháp nào để giảm container phế liệu ‘bỏ quên’ ở các cảng biển?]

Trường hợp sau xác minh, xác định không đủ cơ sở là tang vật thuộc vụ án hình sự; trong đó, trường hợp xác định được chủ thể vi phạm, sẽ xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định (theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP, với hành vi nhập khẩu phế liệu có chứa tạp chất là chất thải nguy hại).

Trường hợp không xác định được chủ thể vi phạm, cơ quan Hải quan yêu cầu doanh nghiệp vận tải (chủ phương tiện vận tải, đại lý, người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền…) chịu trách nhiệm đưa hàng hóa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam theo quy định tại Điều 58 Luật Hải quan; trường hợp không đưa được ra khỏi lãnh thổ Việt Nam phải chịu toàn bộ chi phí tiêu hủy hàng hóa, đền bù các thiệt hại ảnh hưởng đến môi trường do việc hàng hóa vào Việt Nam.

Đối với các lô hàng sau kiểm tra xác định là phế liệu không thuộc danh mục được phép nhập khẩu, có trong danh mục được phép nhập khẩu song không đủ điều kiện, quy chuẩn nhập khẩu, cơ quan Hải quan sẽ xử lý theo quy định của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự với các cá nhân, pháp nhân liên quan, hoặc xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định.

Trường hợp không xác định được chủ thể vi phạm, sẽ yêu cầu doanh nghiệp vận tải (chủ phương tiện vận tải, đại lý, người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền…) chịu trách nhiệm đưa hàng hóa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam theo quy định tại Điều 58 Luật Hải quan; nếu chủ thể vi phạm không đưa được ra khỏi lãnh thổ Việt Nam phải chịu toàn bộ chi phí tiêu hủy hàng hóa, đền bù các thiệt hại ảnh hưởng đến môi trường do việc hàng hóa vào Việt Nam .

Đối với các lô phế liệu sau kiểm kê phân loại xác định trong danh mục phế liệu được phép nhập khẩu theo Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg, đáp ứng Quy chuẩn quốc gia về môi trường ban hành theo Thông tư số 43/2010/TT-BTNMT chủ hàng hóa từ bỏ không đến nhận, Cục Hải quan Hải Phòng tiến hành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân để bán trực tiếp, thuê bán đấu giá (khi có Thông tư hướng dẫn Nghị định số 29/2018/NĐ-CP) cho các đơn vị đủ điều kiện kinh doanh, sử dụng phế liệu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục