Căng thẳng Đông-Tây có thể giúp ích cho Tổng thống Putin?

Trong chính giới Nga, diễn biến mới trong căng thẳng Đông-Tây có thể làm tăng tỷ lệ ủng hộ dành cho Tổng thống Putin; khiến người Nga muốn biết cuộc gặp ở Helsinki thảo luận những gì.
Căng thẳng Đông-Tây có thể giúp ích cho Tổng thống Putin? ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng washingtonpost.com đưa tin, đồng ruble suy yếu và thị trường chứng khoán Nga sụt giảm mạnh hôm 9/8 vừa qua khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố các biện pháp trừng phạt mới.

Trong chính giới Nga, diễn biến mới trong căng thẳng Đông-Tây có thể làm tăng tỷ lệ ủng hộ dành cho Tổng thống Nga Vladi­mir Putin. Tuy nhiên, nó cũng khiến người Nga muốn biết cuộc gặp thượng đỉnh ở Helsinki đã thảo luận những gì.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với giới phóng viên: "Quyết định này của phía Mỹ là một hành động 'hoàn toàn không thân thiện,' đi ngược lại bầu không khí mang tính xây dựng trong cuộc gặp thượng đỉnh gần đây nhất giữa hai tổng thống."

Ông Peskov kịch liệt chỉ trích các biện pháp trừng phạt mới là trái với luật pháp quốc tế và nhắc lại rằng Nga không hề liên quan đến vụ đầu độc một cựu điệp viên người Nga tại Anh hồi tháng Ba năm nay - vụ việc đã châm ngòi cho các biện pháp hạn chế mà Mỹ thông qua trước đây và các biện pháp khác được công bố hôm 8/8 vừa qua.

Quan chức ngoại giao Nga cho biết còn quá sớm để nói về những biện pháp đáp trả của Nga cho đến khi có thêm thông tin đầy đủ về những biện pháp trừng phạt mới của Mỹ.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư đã không chờ đến lúc các chi tiết của lệnh trừng phạt được công bố, khiến đồng ruble của Nga rơi xuống mức thấp nhất trong gần 2 năm qua so với đồng USD và khiến giá cổ phiếu của các công ty Nga lao dốc trên thị trường chứng khoán.

Một trong những công ty chịu thiệt hại lớn nhất là Hãng hàng không quốc gia Nga Aeroflot, đang đứng trước nguy cơ không thể khai thác đường bay đến Mỹ do lệnh trừng phạt mới.

Aeroflot hiện cung cấp các chuyến bay đến New York, Washington, Miami và Los Angeles.

Thông báo bất ngờ của Bộ Ngoại giao Mỹ về các biện pháp trừng phạt mới đã làm rung chuyển Moskva, nơi một số chính trị gia và các nhà phân tích hy vọng rằng cuộc gặp của Putin với Tổng thống Trump tại Helsinki hồi tháng Bảy vừa qua sẽ giúp ổn định quan hệ Mỹ-Nga.

Tuy nhiên, một đạo luật năm 1991 của Mỹ quy định Tổng thống chỉ có thể đưa ra quyết định trừng phạt khi một quốc gia gây ra các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học hoặc sinh học.

[Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ gặp giới chức Nga vào tuần tới]

Đợt đầu của lệnh trừng phạt mới, dự kiến có hiệu lực từ ngày 22/8 tới, sẽ bao gồm lệnh cấm xuất khẩu công nghệ vào Nga.

Nếu trong vòng 90 ngày Nga không chấp nhận ngừng sử dụng vũ khí hóa học và cho phép thanh tra để xác nhận việc này, luật quy định Mỹ chọn một loạt biện pháp bổ sung, bao gồm chấm dứt hỗ trợ cho các khoản vay quốc tế và các khoản vay từ ngân hàng Mỹ, cấm các hãng hàng không của Nga hạ cánh xuống sân bay ở Mỹ và đình chỉ quan hệ ngoại giao.

Các chuyên gia phân tích ở Moskva nhận định khó có khả năng Tổng thống Putin sẽ cho phép các thanh sát viên vào nước này để ngăn chặn các biện pháp trừng phạt bổ sung, vì làm như vậy sẽ giống như Nga chịu thua trước sức ép của Mỹ.

Thay vào đó, Nga có thể sẽ đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt tương tự. Sergey Ryabukhin, một nghị sỹ cấp cao Nga, nói rằng Nga có thể ngừng xuất khẩu các động cơ tên lửa RD-180, thiết bị mà Mỹ rất cần để phóng vệ tinh lên vũ trụ.

Việc cấm các chuyến bay của Hãng hàng không Aeroflot tới Mỹ cũng có thể dẫn đến một lệnh cấm máy bay của các hãng hàng không Mỹ bay qua không phận Nga.

Andrey Kortunov, người đứng đầu Hội đồng Các vấn đề quốc tế của Nga - một ủy ban cố vấn ở Moskva do nhà nước tài trợ - nêu rõ: "Những thành tích hoạt động của Tổng thống Putin cho thấy ông không bao giờ thay đổi ý kiến do sức ép, mà đúng hơn là ông hành động theo hướng khác."

Thông báo về lệnh trừng phạt bổ sung được đưa ra trong tuần này được xem là ví dụ mới nhất về đòn trừng phạt đối với Nga, nước lâu nay đã cố gắng hiểu sự khác biệt bề ngoài giữa mong muốn công khai của Trump cải thiện các mối quan hệ với Nga và các biện pháp cứng rắn do Quốc hội và chính quyền Mỹ đưa ra.

Ông Kortunov thừa nhận các biện pháp trừng phạt mới đã phá tan hy vọng của ông rằng cuộc gặp thượng đỉnh Helsinki hồi tháng trước sẽ chứng tỏ một bước ngoặt sau khi cách tiếp cận hòa giải hơn của Trump với Nga tạo không khí chung cho chính sách của Mỹ.

"Tôi đã có chút hy vọng rằng Hội nghị Helsinki sẽ đại diện cho một sự thay đổi trong xu hướng. Thật không may, cuộc gặp thượng đỉnh này đã không ngăn cản được xu thế nói chung, mà trên thực tế nó còn đẩy nhanh xu thế đó theo cách nào đó."

Nga hiện chưa công bố biện pháp đáp trả lệnh trừng phạt bổ sung của Mỹ. Dự luật lưỡng đảng được đưa ra Quốc hội Mỹ hồi tuần trước sẽ trừng phạt ngành năng lượng và tài chính của Nga và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các khoản nợ công của Nga.

Thượng nghị sỹ Lindsey O.Graham, đồng bảo trợ dự luật trên, tuyên bố các biện pháp trừng phạt hiện nay "không thể ngăn cản Nga can thiệp vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra vào cuối năm nay."

Căng thẳng Đông-Tây có thể giúp ích cho Tổng thống Putin? ảnh 2Kiểm đồng ruble. (Ảnh: AFP/TTXVN)


Các biện pháp trừng phạt được ban hành từ đầu năm đến nay và những đe dọa sẽ có thêm biện pháp trừng phạt mới, đã giáng đòn nặng vào tầng lớp trung lưu ở Nga.

Đầu tháng Tư vừa qua, ngay trước khi đợt trừng phạt cứng rắn đầu tiên của Mỹ đối với "hành động thâm hiểm của Nga trên khắp thế giới" được công bố, đồng ruble đứng ở mức xấp xỉ 58 ruble đổi 1 USD.

Hôm 9/8 vừa qua, tỷ giá đồng ruble đã giảm xuống còn khoảng 66 ruble/1 USD - ảnh hưởng đến sức mua của những người Nga muốn du lịch nước ngoài hoặc mua hàng hóa của nước ngoài.

Tuy nhiên, giá dầu mỏ cao hơn đã mang lại cho Chính phủ Nga một "chiếc nệm tài chính lớn" để duy trì các dịch vụ công và hỗ trợ các doanh nghiệp lớn bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của Mỹ.

Và không như các biện pháp trừng phạt xuyên Đại Tây Dương được đưa ra để đáp trả việc Moskva sáp nhập Crimea vào Nga năm 2014, các đồng minh châu Âu của Washington - những nước có kim ngạch thương mại với Nga nhiều hơn của Mỹ - lần nay không hùa theo Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Nga.

Kết quả là, theo các nhà phân tích Nga, các biện pháp trừng phạt mới khó có thể làm nhụt chí Putin, ít nhất là trong ngắn hạn.

Trên thực tế, một động thái mới làm gia tăng căng thẳng với Washington có thể mang đến cho Điện Kremlin một "giai đoạn trì hoãn thuận lợi" vào thời điểm Putin đang đối mặt với sự bất bình ở trong nước trước những nỗ lực của chính phủ nhằm tăng độ tuổi nghỉ hưu

Lev Gudkov, Giám đốc Trung tâm khảo sát độc lập Levada của Nga, cho rằng các biện pháp trừng phạt này có thể làm tăng tỷ lệ ủng hộ dành cho Putin, mặc dù những thách thức kinh tế có thể làm tổn hại uy tín của ông về lâu dài.

Điều chắc chắn, theo Gudkov, là các phương tiện truyền thông thân Kremlin sẽ sử dụng các biện pháp trừng phạt mới để củng cố thêm câu chuyện về một "hội chứng sợ Nga" ở phương Tây.

Các cơ quan truyền thông này đưa tin rằng Washington muốn ngăn chặn sự trở lại của Nga trong vai trò một cường quốc trên thế giới và sẵn sàng hủy hoại người Nga tới cùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.