Căng thẳng không ảnh hưởng đến hợp tác quân sự Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ

Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định tranh cãi ngoại giao đang leo thang giữa nước này và Thổ Nhĩ Kỳ không ảnh hưởng tới quan hệ quân sự song phương cũng như trong khuôn khổ NATO.
Căng thẳng không ảnh hưởng đến hợp tác quân sự Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 1Căn cứ không quân Incirlik. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 10/10, Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định tranh cãi ngoại giao đang leo thang giữa nước này và Thổ Nhĩ Kỳ không ảnh hưởng tới quan hệ quân sự song phương cũng như trong khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Mỹ hiện phụ thuộc nhiều vào một căn cứ không quân tại Incirlik, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, nơi các máy bay chiến đấu xuất kích thực hiện sứ mệnh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria và Iraq.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Đại tá Rob Manning cho biết: "Căn cứ Incirlik sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng của mình trong việc hỗ trợ các nỗ lực của NATO và liên minh chống khủng bố. Các chiến dịch chống IS ở ngoài Incirlik và các căn cứ khác của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phối hợp chặt chẽ với nhau và nhận được sự hỗ trợ đầy đủ của các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ." Đại tá Manning nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác mạnh trong liên minh chống khủng bố và là một đồng minh thân cận trong NATO.

Tranh cãi ngoại giao Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ đã bùng phát từ tuần trước, khi Ankara bắt giữ một nhân viên lãnh sự quán Mỹ tại Istanbul do nghi ngờ có liên hệ với nhóm mà chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đứng sau cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016.

Phản đối vụ bắt giữ này, Mỹ đã quyết định ngừng cấp thị thực không định cư cho các nhân viên ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, dẫn tới việc Ankara áp dụng biện pháp trả đũa tương tự và phát lệnh bắt giữ nhân viên thứ hai người địa phương làm việc cho lãnh sự quán trên. Đây là một trong những căng thẳng ngoại giao nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua giữa hai đồng minh NATO.

Trong một diễn biến mới nhất, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 10/10 tuyên bố giới chức nước này sẽ "tẩy chay" Đại sứ Mỹ tại Ankara.

Phát biểu tại một cuộc họp báo với Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic tại thủ đô Belgrade của Serbia, Tổng thống Erdogan cho biết: "Thổ Nhĩ Kỳ không coi Đại sứ John Bass là đại diện của Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ nữa, sau khi Đại sứ quán Mỹ quyết định ngừng cấp thị thực."

Ông Bass sẽ rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ sau khi được bổ nhiệm làm Đại sứ tại Afghanistan. Dù ông Bass còn vài ngày nữa mới về nước nhưng việc Ankara không công nhận một đại sứ Mỹ là chưa từng xảy ra trong lịch sử quan hệ hai nước này.

Sau những tranh cãi vặt vãnh giữa hai nước kéo dài nhiều tháng dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng mở "một trang mới" trong quan hệ Ankara-Washington khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức.

Đến nay, Tổng thống Erdogan vẫn thận trọng, tránh không đề cập đến Tổng thống Trump trong cuộc tranh cãi ngoại giao mới nhất, thay vào đó chỉ đổ lỗi cho Đại sứ Bass. Ông cho rằng có thể Đại sứ Bass đơn phương ngừng cấp thị thực tại Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ bắt giữ nhân viên lãnh sự, và đề cập khả năng có "các đối tượng" thâm nhập phái bộ ngoại giao của Mỹ.

Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng bảo vệ Đại sứ Bass, khẳng định rằng ông "không hành động đơn phương, mà có sự phối hợp đầy đủ và chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, Nhà Trắng và Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ" và nhà ngoại giao này là "một trong những đại sứ xuất sắc nhất" của Mỹ.

Trong một diễn biến khác, ngày 10/10, một tòa án của Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên án vắng mặt 2,5 năm tù giam đối với nhà báo Ayla Albayrak, phóng viên của tờ Wall Street Journal của Mỹ, với tội danh "tuyên truyền cho phiến quân người Kurd."

Albayrak mang hai quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ và Phần Lan, đang sống tại Mỹ, đã bị kết tội liên quan đến loạt bài viết năm 2015 về các cuộc đụng độ giữa các lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ và các tay súng thuộc đảng Công nhân Người Kurd (PKK) mà Ankara liệt vào danh sách khủng bố. Tờ Wall Street Journal cho rằng phán quyết trên là "vô căn cứ," đồng thời cho biết phóng viên Albayrak sẽ kháng cáo.

Sau cuộc đảo chính ngày 15/7/2016, Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc giáo sỹ Hồi giáo Fethullah Gulen, người đang sống lưu vong tại bang Pensynnavia (Mỹ), là người chủ mưu. Một số quan chức Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí cáo buộc "có bàn tay của Mỹ" trong cuộc đảo chính này. Washington bác bỏ mọi cáo buộc dính líu đến đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời khẳng định không có bằng chứng nào cho thấy mối liên hệ giữa các nhân viên lãnh sự người Thổ Nhĩ Kỳ trong âm mưu đảo chính trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.