Căng thẳng liên quan vụ nhà báo mất tích khiến giá dầu châu Á đi lên

Giá dầu châu Á tăng lên trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị liên quan đến việc nhà báo người Saudi Arabia Jamal Khashoggi bị mất tích làm gia tăng nỗi lo ngại về nguồn cung.
Căng thẳng liên quan vụ nhà báo mất tích khiến giá dầu châu Á đi lên ảnh 1(Nguồn: Getty Images)

Giá dầu châu Á trong phiên chiều 15/10 tăng lên trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị liên quan đến việc nhà báo người Saudi Arabia Jamal Khashoggi bị mất tích làm gia tăng nỗi lo ngại về nguồn cung dầu trên thị trường.

Vào lúc 14 giờ 10 phút giờ Việt Nam, tại thị trường Bắc Kinh, giá dầu Brent tăng 1,22% (0,98 USD) lên 81,41 USD/thùng, hướng đến mức tăng giá theo ngày lớn nhất kể từ phiên 9/10.

Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ giao kỳ hạn phiên này tiến 0,62% lên 71,77 USD/thùng, nới rộng đà tăng giá từ hôm cuối tuần sau những mất giá khá nhiều trong hai phiên 10-11/10.

Chuyên gia Wang Xiao, phụ trách mảng nghiên cứu dầu thô tại Guotai Junan Futures, trong một ghi chép nghiên cứu nhận định thị trường lại tiếp tục lo ngại về các căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông sau khi Mỹ và Saudi Arabia đưa ra các bình luận về sự mất tích của nhà báo Khashoggi, dẫn tới giá “vàng đen” tăng lên.

Saudi Arabia - "ông lớn" trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) - hiện đang chịu sức ép kể từ khi nhà báo Khashoggi mất tích vào ngày 2/10 sau khi ông này đến Lãnh sự quán của Saudi Arabia ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) làm giấy tờ.

[Iran bị ảnh hưởng thế nào khi Mỹ trừng phạt hoạt động xuất khẩu dầu?]

Theo hãng thông tấn nhà nước SPA, Saudi Arabia tuyên bố sẽ trả đũa bất cứ biện pháp trừng phạt kinh tế nào mà các nước đưa ra liên quan đến vụ việc trên.

Các thị trường dầu còn được hỗ trợ bởi số liệu cho thấy trong tháng 9/2018, Hàn Quốc lần đầu tiên trong nhiều năm ngừng nhập khẩu dầu của Iran.

Chuyên gia Chen Kai, người đứng dầu mảng nghiên cứu tại Shengda Futures, nhận định các quan ngại về địa chính trị, nỗi lo ngại về thương mại và triển vọng kinh tế yếu hơn có thể dọn đường cho một tuần giao dịch biến động khác.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây hạ các dự báo về mức tăng nhu cầu đối với dầu trên thế giới trong năm nay và năm tới, đồng thời cho biết thị trường hiện được cung cấp đầy đủ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.