Căng thẳng mới trong quan hệ giữa Belarus và các nước Baltic

Việc các nước Baltic tuyên bố trừng phạt giới chức Minsk được cho là động thái nhằm gia tăng sức ép buộc chính quyền Belarus phải có giải pháp cho cuộc khủng hoảng trong nước hiện nay.
Căng thẳng mới trong quan hệ giữa Belarus và các nước Baltic ảnh 1Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Quan hệ giữa các nước tại khu vực Baltic và Belarus chứng kiến nấc thang căng thẳng mới sau khi các nước này tuyên bố các lệnh trừng phạt nhằm vào giới chức Minsk.

Đây là động thái được cho là nhằm gia tăng sức ép buộc chính quyền Belarus phải có giải pháp cho cuộc khủng hoảng trong nước hiện nay.

Trong thông báo ngày 20/11, các nước Litva, Latvia và Estonia cho biết đã áp đặt lệnh cấm đi lại với thêm 28 quan chức Belarus, liệt những người này vào danh sách trừng phạt vốn đã bao gồm Tổng thống Alexander Lukashenko và hơn 100 quan chức khác.

Ngoại trưởng Litva Linas Linkevicius thông báo trong danh sách trừng phạt của các nước Baltic có một số bộ trưởng như Bộ trưởng Thể thao Belarus Sergey Kovalchuk hay Bộ trưởng Thông tin Igor Lutsky.

[Phản ứng của Belarus và Nga sau khi EU ban bố lệnh trừng phạt Minsk]

Theo Ngoại trưởng Linkevicius, "danh sách đen" trừng phạt của các nước Baltic giờ đã có hơn 150 quan chức Belarus, trong khi toàn bộ Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với 59 người.

Các bộ trưởng EU cảnh báo có thể mở rộng đối tượng trừng phạt ra các công ty và doanh nhân được cho là ủng hộ chính quyền của ông Lukashenko.

Tình hình Belarus bất ổn kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 9/8. Tổng thống Lukashenko đã tái đắc cử với 80,1% số phiếu ủng hộ, trong khi ứng cử viên đối lập Svetlana Tikhanovkskaya chỉ được 10,12%.

Nữ chính khách này đã không công nhận kết quả bầu cử. Nhiều cuộc biểu tình phản đối chính phủ diễn ra sau đó tại một số thành phố đã biến thành xô xát với cảnh sát.

Ngày 23/9 vừa qua, Tổng thống Lukashenko đã tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ mới, song EU từ chối công nhận ông là tổng thống hợp pháp của Belarus. Các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt Belarus, qua đó mở đường cho các lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với hàng chục thành viên trong chính quyền của Tổng thống Lukashenko./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.