Trang web của Chính phủ Thái Lan ngày 8/1 đăng tải chỉ đạo đối với Đại sứ quán nước này ở Iran về phương án sơ tán công dân trong trường hợp căng thẳng giữa Mỹ và Iran diễn biến nghiêm trọng.
Theo đó, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã cho phép Đại sứ quán thu xếp một chuyên cơ hoặc sử dụng một máy bay quân sự trong trường hợp khẩn cấp.
Bộ Lao động Thái Lan đã chỉ đạo các đại diện phụ trách lao động Thái ở Trung Đông hỗ trợ người lao động, bao gồm sơ tán khỏi khu vực này, đồng thời theo dõi sát sao tình hình ở Iran và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất.
Theo Bộ Lao động Thái Lan, hiện có 257 lao động người Thái Lan làm việc tại Iran và 25 lao động tại Iraq.
Bộ Ngoại giao Thái Lan cũng cho biết đã chỉ thị các quan chức ngoại giao của nước này tại Iran và Iraq đảm bảo an toàn cho 89 công dân Thái Lan ở Iraq và 359 công dân tại Iran.
Cùng ngày, Bộ ngoại giao Hà Lan đã khuyến cáo công dân nước này không đến Iran nếu không thực sự cần thiết, theo đó nhấn mạnh quan ngại về tình hình an ninh ở nước Cộng hòa Hồi giáo này.
[Máy bay Ukraine rơi tại Iran: Không phát hiện dấu hiệu bị bắn hạ]
Hãng thông tấn ANP dẫn thông báo của tổ chức các đại lý lữ hành của Hà Lan (ANVR) cho biết tất cả các gói du lịch đã lên kế hoạch tới Iran sẽ bị hủy.
Trong khi đó, ngày 9/1, công ty dầu khí quốc doanh của Brazil Petrobras thông báo công ty sẽ tạm ngừng đưa tàu chở dầu đi qua eo biển Hormuz do căng thẳng giữa Mỹ và Iran.
Theo Petrobras, công ty đưa ra quyết định trên sau khi đánh giá rủi ro với Hải quân.
Cẳng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang sau khi Mỹ không kích sân bay Baghadad của Iraq khiến Tướng Qasem Soleimani, Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), thiệt mạng.
Iran đã đáp trả bằng các cuộc tấn công tên lửa nhằm vào các căn sứ quân sự ở Iraq có binh sý Mỹ đồn trú.
Nhiều nước xuất khẩu dầu đang lo ngại Tehran có thể phong tỏa eo biển Hormuz - tuyến đường biển vận chuyển dầu quan trọng từ Trung Đông đến các thị trường châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ./.