Căng thẳng Mỹ-Trung Quốc: Đã giận lại càng giận hơn

Quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington đã trở nên tồi tệ hơn khi hai bên đổ lỗi cho nhau liên quan đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và những vi phạm nhân quyền trong vấn đề Hong Kong.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản. (Nguồn: Reuters)
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản. (Nguồn: Reuters)

Theo trang mạng của tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, Trung Quốc đang chĩa mũi dùi vào các cơ quan báo chí Mỹ giữa lúc căng thẳng đang diễn ra giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới này sau khi Bắc Kinh thông qua luật an ninh quốc gia mới áp dụng đối với Hong Kong.

Báo này cho rằng đây là động thái “ăn miếng trả miếng” mới nhất giữa Bắc Kinh và Washington liên quan luật an ninh này. 

Hãng tin AFP cho biết Bắc Kinh ngày 1/7 đã yêu cầu 4 cơ quan báo chí Mỹ - gồm AP, UPI, CBS và NPR hiện diện tại Trung Quốc - phải gửi thông tin chi tiết về tình hình nhân sự và các hoạt động tài chính của các tổ chức này đến cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc trong vòng 7 ngày.

Theo AFP, đây là dấu hiệu cho thấy cuộc trả đũa lẫn nhau liên quan hoạt động của báo chí giữa Bắc Kinh và Washington đã leo lên một nấc thang mới. 

[Chuyên gia Nga: Mỹ-Trung căng thẳng khiến thế giới tiềm ẩn nguy cơ]

Phát biểu tại họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Triệu Lập Kiên nêu rõ các hãng tin AP, UPI, CBS và NPR phải báo cáo thông tin chi tiết về nhân viên, hoạt động tài chính và các bất động sản mà họ đang sở hữu tại Trung Quốc.

Người phát ngôn này khẳng định các hành động của Trung Quốc hoàn toàn là động thái đáp trả việc Mỹ gây sức ép với 4 tổ chức truyền thông Trung Quốc tại Mỹ.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 22/6 đã công bố quyết định thay đổi quy chế đối với 4 cơ quan truyền thông nhà nước của Trung Quốc.

Căng thẳng Mỹ-Trung Quốc: Đã giận lại càng giận hơn ảnh 1Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên chỉ trích Mỹ "đạo đức giả" về cái gọi là tự do báo chí. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo quy chế mới, Bộ Ngoại giao Mỹ xếp 4 cơ quan truyền thông của Trung Quốc, gồm Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), Nhân dân Nhật báo, Thời báo Hoàn cầu và hãng tin China News Service (CNS), vào nhóm các phái bộ ngoại giao nước ngoài, thay vì là những cơ quan thường trú truyền thông tại Mỹ.

Theo quy chế mới, 4 cơ quan truyền thông trên của Trung Quốc sẽ phải báo cáo Bộ Ngoại giao Mỹ thông tin chi tiết về nhân sự và các giao dịch bất động sản ở Mỹ, mặc dù không bị giới hạn hoạt động đưa tin.

Trước đó, hồi tháng 2/2020, liên quan đến hoạt động của các cơ quan truyền thông, Trung Quốc và Mỹ đã có hành động trả đũa lẫn nhau.

Nhà Trắng yêu cầu 5 cơ quan truyền thông Trung Quốc tại Mỹ giảm số lượng phóng viên thường trú. Đáp lại, Bắc Kinh tuyên bố trục xuất hơn 12 nhà báo Mỹ làm việc cho các tờ New York Times, Washington Post và Wall Street Journal, đồng thời yêu cầu các chi nhánh của 3 cơ quan báo chí này cùng tạp chí Time và Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) kê khai thông tin về nhân viên, tài chính, tài sản cố định và hoạt động tại Trung Quốc.

Người phát ngôn Triệu Lập Kiên ngày 1/7 tuyên bố thẳng thừng rằng các biện pháp hạn chế của Mỹ đối với báo chí Trung Quốc “phơi bày đạo đức giả của cái được gọi là tự do báo chí mà Mỹ rao giảng.” 

“Đã giận lại càng giận hơn”

Quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington đã trở nên tồi tệ hơn khi hai bên đổ lỗi cho nhau liên quan đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và những vi phạm nhân quyền.

Washington cũng dẫn dắt sự phản ứng toàn cầu đối với luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh thông qua và áp đặt đối với Hong Kong hôm 30/6, áp đặt những hạn chế mới đối với các hoạt động xuất khẩu thiết bị quốc phòng và một số sản phẩm công nghệ cao nhất định của Mỹ sang Hong Kong kèm theo đó là rút lại quy chế thương mại đặc biệt mà Mỹ dành cho đặc khu hành chính được biết đến là trung tâm tài chính thế giới này.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn lời người phát ngôn Triệu Lập Kiên nói rằng Bắc Kinh sẽ có biện pháp đáp trả.

Căng thẳng Mỹ-Trung Quốc: Đã giận lại càng giận hơn ảnh 2Việc Trung Quốc thông qua Luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong cũng làm gia tăng căng thẳng với Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trước đó, hôm 26/6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Washington sẽ áp đặt các biện pháp hạn chế thị thực đối với các quan chức Trung Quốc “đương nhiệm và về hưu” được cho là chịu trách hoặc liên quan đến việc làm hủy hoại quyền và tự do cũng như sự tự chủ của Hong Kong.

Đến hôm 29/6, Bắc Kinh phản pháo khi tuyên bố các hạn chế thị thực đối với các cá nhân Mỹ “hành xử vượt xa giới hạn cho phép” trong các vấn đề của Hong Kong, song không nêu rõ tên và số lượng người Mỹ chịu hình thức này. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 30/6 cho biết ông “ngày càng giận Trung Quốc nhiều hơn” liên quan đại dịch COVID-19 mà Trump chỉ trích Bắc Kinh đã không ứng phó kịp thời và ém nhẹm thông tin về dịch bệnh.

Đáp lại, Trung Quốc cáo buộc chính quyền Trump chính trị hóa đại dịch này để làm chệch hướng dư luận Mỹ về cách thức Trump đối phó với cuộc khủng hoảng y tế do đại dịch gây ra tại Mỹ. 

Mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có cuộc gặp Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Hawaii, song cuộc gặp này dường như không giúp tháo gỡ căng thẳng trong mối quan hệ song phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.