Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 7/6 kêu gọi các nhà lãnh đạo Saudi Arabia, Iran và Qatar tham gia đối thoại và giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và các quốc gia láng giềng vùng Vịnh.
Theo Văn phòng tổng thống Pháp, ông Macron đã thảo luận riêng rẽ với Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani, Quốc vương Saudi Arabia Salman và Tổng thống Iran Hassan Rouhani, và đã mời tất cả các bên tham gia đối thoại. Tổng thống Macron bày tỏ mong muốn với các nhà lãnh đạo vùng Vịnh về việc "duy trì sự ổn định trong khu vực" cũng như tiếp tục "cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và tài trợ cho khủng bố."
[Quốc vương Kuwait nỗ lực hòa giải căng thẳng ngoại giao tại vùng Vịnh]
Trước đó, tân Tổng thống Pháp cũng đã thảo luận với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thái tử Abu Dhabi Mohammed bin Zayed Al-Nahyan về cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh. Theo người phát ngôn tổng thống Pháp, ông Macron sẽ tiếp tục vai trò trung gian trong những ngày tới.
Trong khi đó, phát biểu trên nhật báo Handelsblatt, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel đã chỉ trích quyết định của một số nước Arab cắt quan hệ ngoại giao với Qatar, đồng thời bày tỏ quan ngại về việc leo thang căng thẳng cũng như hậu quả của việc này với toàn khu vực. Trước đó, Ngoại trưởng Gabriel đã gặp người đồng cấp Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani và người đồng cấp Saudi Arabia Adel al-Jubeir nhằm tìm kiếm biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Anwar bin Mohammed Gargash kêu gọi Qatar tuân thủ các nguyên tắc an ninh và ổn định tại khu vực vùng Vịnh, đồng thời cho rằng cần có lộ trình rõ ràng nhằm thực thi các bước đi đã được nhất trí trong cuộc khủng hoảng tương tự xảy ra vào năm 2014. Trong một tuyên bố được hãng thông tấn WAM của UAE trích dẫn, Ngoại trưởng Gargash cho rằng Quốc vương Qatar đã đưa ra cam kết thực hiện các bước đi, song không thực thi đầy đủ cam kết. Do đó, trung gian hòa giải vào thời điểm này sẽ không mang lại kết quả, và kết quả chỉ có thể đạt được khi bắt đầu thực thi các điều kiện.
Mặc dù Ngoại trưởng Gargash hoan nghênh nỗ lực làm trung gian hòa giải của Kuwait song cho biết Saudi Arabia và UAE "không có gì phải đàm phán" với Qatar. Giới chức Qatar từ chối bình luận về những tuyên bố này của Ngoại trưởng Gargash.
Trong khi đó, Senegal tuyên bố sẽ triệu hồi đại sứ nước này tại Qatar. Thông báo trên được đưa ra 1 ngày sau khi quốc gia láng giềng Mauritania thông báo cắt đứt quan hệ ngoại giao với Doha. Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Senegal, việc nước này triệu hồi đại sứ tại Qatar là nhằm thể hiện tình đoàn kết với các quốc gia khác ở vùng Vịnh.
Từ Kuala Lumpur, phóng viên TTXVN cho biết Phó Thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi ngày 7/6 đã bác bỏ thông tin cho rằng Malaysia đang chịu sức ép phải cắt đứt quan hệ với Qatar sau khi các quốc gia láng giềng vùng Vịnh cắt quan hệ ngoại giao với Doha. Phó Thủ tướng Zahid cho rằng những rắc rối trong quan hệ giữa Qatar với các quốc gia Arab là vấn đề giữa các nước này và "hãy để họ tự giải quyết". Malaysia muốn là bạn với tất cả các nước và sẽ vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với Qatar.
Cũng trong ngày 8/6, hãng xếp hạng tín nhiệm S&P đã hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Qatar xuống còn AA-, đồng thời cho biết đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình Qatar để xem có tiếp tục hạ mức xếp hạng tín nhiệm hay không./.