'Căng thẳng ở Biển Đông tác động tiêu cực tới thương mại quốc tế'

Nhà báo Pavel Herman cho rằng diễn biến gần đây ở Biển Đông không chỉ tác động tới các quốc gia ở Đông Nam Á mà còn tác động tới cả châu Âu, nhất là trong lĩnh vực kinh tế.
Tiến sỹ Takashi Hosoda. (Ảnh: Trần Quang Vinh/Vietnam+)

Phóng viên TTXVN tại Prague đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Takashi Hosoda, giảng viên Đại học Tổng hợp Charles (Séc), và nhà báo Pavel Herman về những diễn biến gần đây trên Biển Đông.

Trong cuộc trao đổi, tiến sỹ Hosoda đã bày tỏ lo ngại về các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông, cho rằng các động thái này làm gia tăng căng thẳng và tác động tiêu cực tới hòa bình và ổn định trong khu vực.

Tiến sỹ Hosoda nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông và hoan nghênh nỗ lực của các quốc gia khu vực và trên thế giới tham gia vào tiến trình này.

Ông nhấn mạnh việc Mỹ, Anh, Australia, Nhật Bản... ra tuyên bố và có các động thái phản đối các hành động quân sự hóa Biển Đông, tiến hành các hoạt động tuần tra trong khuôn khổ chiến dịch "Tự do hàng hải" (FONOP) ở khu vực này là thông điệp mạnh mẽ đối với Trung Quốc.

Bên cạnh đó, chuyên gia trên cũng hy vọng Mỹ sẽ gia tăng sức ép nhằm kiềm chế các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông.

[Shangri-La 2018: Mỹ chỉ trích hành động của Trung Quốc ở Biển Đông]

Đối với Việt Nam, tiến sỹ Hosoda đánh giá tích cực chính sách ngoại giao cân bằng và mở rộng hợp tác với các nước. Ông nhận định chiến lược phù hợp này giúp Việt Nam tăng cường phát triển kinh tế, củng cố năng lực quốc phòng và thúc đẩy việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Về phần mình, nhà báo Pavel Herman cho rằng diễn biến gần đây ở Biển Đông không chỉ tác động tới các quốc gia ở Đông Nam Á mà còn tác động tới cả châu Âu, nhất là trong lĩnh vực kinh tế.

Căng thẳng ở Biển Đông tác động tiêu cực tới thương mại quốc tế do các tuyến hàng hải quốc tế quan trọng đi qua khu vực này. Việc đảm bảo hòa bình, ổn định ở Biển Đông có ý nghĩa quan trọng cả về mặt địa chính trị, chiến lược, kinh tế và an ninh hàng hải.

Theo nhà báo Herman, các hoạt động của Trung Quốc cải tạo, xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa ở Biển Đông vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), cũng như Công ước Liên hợp quốc 1992 về đa dạng sinh học, đe dọa tới an ninh và ổn định trong khu vực.

Nhà báo Herman đồng thời đánh giá cao các tuyên bố cũng như phản ứng từ Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và các nước khác có liên quan lên án hành động của Trung Quốc xây dựng trái phép các đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục