Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc tiếp tục tác động tới châu Á

Ngày 3/12, Moody's cho rằng Mỹ và Trung Quốc tạm ngừng cuộc chiến thương mại có thể giúp làm giảm căng thẳng quan hệ hai nước, nhưng hậu quả của nó có thể ảnh hưởng tới các quốc gia châu Á chủ chốt.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 3/12, tổ chức đánh giá tín dụng toàn cầu Moody's cho rằng việc Mỹ và Trung Quốc tạm ngừng cuộc chiến thương mại có thể giúp làm giảm căng thẳng quan hệ hai nước, nhưng hậu quả của nó vẫn còn tiếp tục và có thể ảnh hưởng tới các quốc gia châu Á chủ chốt.

Sau cuộc hội đàm ngày ngày 1/12 vừa qua bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Argentina, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đạt được nhất trí về một số biện pháp tháo gỡ căng thẳng thương mại, bao gồm việc Mỹ huỷ bỏ kế hoạch tăng thuế hàng hóa từ Trung Quốc vào đầu năm tới, đổi lại, Trung Quốc cam kết sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hóa của Mỹ.

Bà Marie Diron, Giám đốc điều hành Nhóm Rủi ro chủ quyền thuộc Moody's cho biết những thoả thuận hẹp và nhượng bộ vừa phải trong tranh chấp thương mại Mỹ-Trung Quốc hiện nay sẽ không thu hẹp được mối bất đồng lớn giữa hai nước về các lợi ích kinh tế, chính trị và chiến lược.

[Mỹ-Trung Quốc nhất trí ngừng tăng thuế, tiếp tục thương lượng]

Bà Diron cho rằng Mỹ và Trung Quốc "quá mạnh" để họ phải hy sinh các lợi ích thương mại trong đàm phán song phương, lưu ý rằng việc tiếp tục một cuộc chiến tranh lạnh về thương mại có thể gây thiệt hại cho cả hai bên.

Theo Moody's, do mức độ hội nhập sâu rộng về công nghệ và thương mại, các nền kinh tế lớn của châu Á, như Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc và Singapore, sẽ bị ảnh hưởng đáng kể và dài hạn về thương mại và đầu tư.

Ngoài ra, căng thẳng tiếp tục sẽ gây gián đoạn thương mại toàn cầu, làm xói mòn hệ thống thương mại đa phương và tác động tiêu cực tới tăng trưởng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục