Căng thẳng Trung Đông giúp thị trường dầu vững giá

Căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông và các số liệu kinh tế khả quan hơn đã hỗ trợ giá dầu trong phiên giao dịch đầu giờ sáng 12/8 tại châu Á.

Bể chứa dầu tại kho dự trữ ở Ichihara, tỉnh Chiba, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Bể chứa dầu tại kho dự trữ ở Ichihara, tỉnh Chiba, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Giá dầu hầu như không thay đổi trong phiên giao dịch đầu giờ sáng 12/8 tại châu Á, chủ yếu được hỗ trợ bởi căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông và các số liệu kinh tế khả quan hơn.

Giá dầu thô Brent giao kỳ hạn giảm 7 xu (tương đương 0,09%) xuống 79,59 USD/thùng vào lúc 7 giờ 21 phút (giờ Việt Nam), trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn lại tăng 2 xu (0,03%) lên 76,86 USD/thùng.

Tuần trước, giá dầu Brent đã tăng hơn 3,5% trong khi giá dầu WTI tăng hơn 4%.

Những mức tăng này chủ yếu nhờ các số liệu kinh tế khả quan ở Trung Quốc và Mỹ, cùng hy vọng gia tăng về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất.

Giá tiêu dùng của Trung Quốc tăng nhanh hơn dự kiến vào tháng 7/2024, trong khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của Mỹ giảm sâu hơn kỳ vọng vào tuần trước.

Ba quan chức của Ngân hàng Trung ương Mỹ hồi cuối tuần cho hay lạm phát dường như đang hạ nhiệt ở mức đủ để cho phép Fed hạ lãi suất ngay trong tháng tới.

Ngoài ra, trong một lưu ý gửi tới khách hàng gần đây, các nhà phân tích của ngân hàng ANZ nhận định giới giao dịch vẫn lưu ý đến căng thẳng đang âm ỉ ở Trung Đông.

Nguy cơ leo thang xung đột giữa Israel và Palestine tiếp tục hỗ trợ giá dầu, sau khi Chính phủ Iran và phong trào Hezbollah tại Liban tuyên bố sẽ trả đũa các vụ ám sát xảy ra ngày 31/7 đối với hai nhân vật cấp cao của phong trào Hamas và Hezbollah.

Nhà phân tích kỹ thuật tại ActivTrades, ông Pierre Veyret nhận định giá dầu đang trên đà cán mốc 80 USD/thùng. Trong ngắn hạn, giá dầu sẽ được hưởng lợi từ sự gia tăng căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông.

Những diễn biến gần đây đang làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột tiềm tàng có thể phá vỡ sản lượng của khu vực sản xuất dầu chủ chốt trên thế giới, qua đó làm giảm nguồn cung dầu toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.