Cảnh báo ảnh hưởng xấu khi Hy Lạp rời khỏi Eurozone

Việc Hy Lạp rời khỏi Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ gây ảnh hưởng lâu dài đến nền kinh tế nước này cũng như đến dự án kinh tế chính trị tham vọng nhất của Liên minh châu Âu (EU).
Cảnh báo ảnh hưởng xấu khi Hy Lạp rời khỏi Eurozone ảnh 1:Biểu tình trước Bộ Tài chính Hy Lạp ở thủ đô Athens ngày 11/6, phản đối thỏa thuận cho vay của IMF và EU. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Việc Hy Lạp rời khỏi Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ gây ảnh hưởng lâu dài đến nền kinh tế nước này cũng như đến dự án kinh tế chính trị tham vọng nhất của Liên minh châu Âu (EU). Đây là lời cảnh báo của cựu Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Herman van Rompuy.

Phát biểu trước một hội nghị tại Brussels, Bỉ ngày 17/6, ông Rompuy nhận định rời khỏi Eurozone, đây sẽ là cuộc chia tay lâu dài của Hy Lạp với liên minh tiền tệ, và nạn nhân bị tổn thương nặng nề nhất chính là người dân Hy Lạp. Cùng với đó, uy tín của Eurozone cũng bị tổn hại vì các nước sẽ hoài nghi về năng lực liên minh nếu trong tương lai, một cuộc khủng hoảng tương tự lại xảy ra một nước thành viên khác.

Cựu Chủ tịch EC hối thúc các bên cân nhắc các ảnh hưởng chính trị và địa chính trị của viễn cảnh ảm đạm này thay vì chỉ quan tâm tới khía cạnh kinh tế và tài chính.

Trước những cảnh báo không mấy khả quan về tình hình của Hy Lạp, mọi ánh mắt đang hướng về cuộc họp của các bộ trưởng tài chính 18 quốc gia thành viên Eurozone tại Luxembourg ngày 18/6.

Các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Hy Lạp với bộ ba chủ nợ đã liên tục rơi vào bế tắc trong suốt năm tháng qua do hai bên không thể giải quyết bất đồng liên quan đến các biện pháp "thắt lưng buộc bụng."

Mặc dù lịch thanh toán nợ dày đặc lên tới 1,5 tỷ euro trong tháng Sáu đang khiến việc giải ngân số tiền 7,2 tỷ euro trở nên cấp thiết hơn bao giờ đối với quốc gia thành viên Eurozone này, song cho đến nay, Hy Lạp vẫn phản đối những biện pháp cải cách mạnh tay mà các chủ nợ yêu cầu.

Đổ vỡ trong đàm phán cũng đồng nghĩa với việc Hy Lạp không tránh khỏi phá sản, và phải ra khỏi Eurozone./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.