Trước thông tin phản ánh những ngày gần đây, tình trạng ô nhiễm không khí đang “rất xấu” về đêm, ngày 9/6, Tổng cục Môi trường đã lên tiếng về vấn đề này.
Theo nhà chức trách, một trong những nguyên nhân chính khiến chất lượng không khí ở Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc suy giảm vào ban đêm là do tình trạng đốt rơm rạ đang diễn ra phổ biến. Tình trạng này dự báo sẽ còn tiếp diễn.
Ô nhiễm không khí “nặng” về đêm
Thông tin thêm về thực trạng trên, đại diện Tổng cục Môi trường cho biết từ ngày 3/6 đến nay thời tiết khô ráo, có nắng mạnh vào ban ngày, rơm rạ thuận lợi cho việc đốt. Vì thế, tại khu vực nông thôn, rơm rạ thường được đốt vào buổi tối.
Kết quả quan trắc cho thấy các chất ô nhiễm, đặc biệt là bụi mịn PM2.5 bắt đầu tăng từ khoảng 18 giờ và đạt giá trị cực đại vào 20-22 giờ hàng ngày. Tùy thuộc vào từng khu vực, mức độ ô nhiễm bụi mịn PM2.5 có sự khác nhau, tuy nhiên xu hướng chung là sự gia tăng hàm lượng PM2.5 vào ban đêm.
Tại khu vực nội thành Hà Nội, hoạt động đốt rơm rạ không diễn ra trực tiếp, tuy nhiên trong những ngày gần đây hàm lượng bụi mịn PM2.5 cũng tăng cao vào thời gian buổi tối. Thời gian hàm lượng PM2.5 cao nhất từ 23 giờ đến 1 giờ sáng hôm sau, trễ hơn so với các khu vực ngoại thành.
[Bồi hoàn đa dạng sinh học: Cơ hội trả lại thiên nhiên những gì đã mất]
Lý giải thêm về thực trạng trên, đại diện Tổng cục Môi trường cho biết do kết hợp với các nguồn thải sẵn có nên hàm lượng bụi mịn PM2.5 tại khu vực nội thành Hà Nội vào buổi tối cao hơn so với khu vực ngoại thành.
Kết quả tính toán chỉ số chất lượng không khí (AQI) giờ cho thấy, vào buổi tối (từ 23 giờ tối đến 1 giờ sáng) các ngày từ ngày 3-7/6, chất lượng không khí ở mức xấu (AQI từ 151-200). Trong đêm ngày 6/6 và rạng sáng ngày 7/6, chất lượng không khí đã ở ngưỡng rất xấu (AQI từ 201-300).
Theo phân tích của Tổng cục Môi trường, ngoài việc đốt rơm rạ là nguyên nhân phát sinh chất ô nhiễm thì các yếu tố khí tượng cũng làm gia tăng tình trạng ô nhiễm không khí vào ban đêm.
Minh chứng là, từ đầu tháng Sáu đến nay, tại Hà Nội, cường độ bức xạ mặt trời được xác định là mạnh nhất trong năm. Ánh sáng chói chang rọi vuông góc xuống đất khiến mặt đất bị đốt nóng đến 400 W/m2, sau chập tối nguội đi vì phát ra bức xạ hồng ngoại, gây nghịch nhiệt sát mặt đất.
Do đó, các chất ô nhiễm do đốt rơm rạ và các hoạt động khác không thể phát tán. Ngoài ra, cường độ bức xạ cao gây ra các phản ứng quang hóa giữa các chất ô nhiễm sơ cấp làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm.
Cấm đốt rơm rạ, ban bố tình trạng khẩn cấp
Bàn về vấn đề này, phó giáo sư tiến sĩ Nghiêm Trung Dũng (Đại học Bách Khoa Hà Nội) khẳng định tình trạng đốt rơm rạ là vấn đề tương đối “nóng” hiện nay. Thực trạng đốt rơm rạ cũng đã góp phần gây ô nhiễm không khí. Chính vì thế, ông Dũng kiến nghị cần quy định về phải kiểm kê tất cả các nguồn phát thải để xác định nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí.
Có chung quan điểm, phó giáo sự tiến sĩ Hoàng Thị Thu Hương (Đại học Bách khoa Hà Nội), cho rằng việc đốt rơm rạ cho thấy bà con đang thiếu giải pháp để giải quyết. Vì vậy, Luật bảo vệ môi trường sửa đổi cần có những quy định, chính sách hỗ trợ về xử lý, thu gom, "không để bà con một mình xử lý nguồn rơm rạ này."
Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cũng khẳng định ô nhiễm không khí là một trong những vấn đề môi trường “nóng,” gây bức xúc xã hội, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
[Chủ tịch tỉnh phải xử lý khẩn cấp khi không khí ô nhiễm nghiêm trọng]
Với quan điểm phải đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi hướng đến việc giải quyết ngay những vấn đề đặt ra từ thực tiễn. Hiện dự thảo Luật đã đưa vào các quy định mới để giải quyết các nguồn phát sinh khí thải như cần được quản lý, xử lý thông qua việc quy định từng địa phương phải xây dựng và triển khai Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí...
Nhấn mạnh đến trách nhiệm ban hành các biện pháp khẩn cấp nếu ô nhiễm không khí nghiêm trọng, ông Lê Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường (Tổng cục Môi trường), cho rằng việc quy định trách nhiệm thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp ô nhiễm không khí nghiêm trọng liên vùng, liên tỉnh là Thủ tướng Chính phủ và nội tỉnh là Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh.
Riêng với trường hợp ô nhiễm không khí liên vùng, liên tỉnh thì phải có sự chỉ đạo đồng bộ từ Thủ tướng Chính phủ tới các Bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân các tỉnh chịu ảnh hưởng để huy động nguồn lực từ Trung ương, các địa phương ứng phó, xử lý.
Ông Nam cũng lưu ý, trong trường hợp ô nhiễm không khí đến mức rất xấu, nguy hại, có thể hạn chế hay cấm các phương tiện giao thông trong khu vực nội đô, phun nước rửa đường, điều chỉnh thời gian đi học của học sinh… "Những biện pháp này sẽ được cân nhắc để tham mưu với Chính phủ, Quốc hội ở cấp Luật hay các văn bản dưới luật,” ông Nam nhấn mạnh.
Trước mắt, để giảm bớt tình trạng ô nhiễm không khí do đốt rơm rạ nêu trên, Tổng cục Môi trường khuyến cáo người dân không nên đốt rơm rạ. Trong trường hợp hoạt động đốt rơm rạ còn có thể tiếp tục xảy ra trong những ngày tới, người dân cần giảm các hoạt động ngoài trời vào buổi tối./.