Liên quan đến việc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước Hà Nội đề xuất nạo vét bùn, xử lý duy trì chất lượng nước hồ Hoàn Kiếm bằng chế phẩm Redocy-3C, nhiều chuyên gia môi trường cho rằng cải tạo môi trường hồ Hoàn Kiếm là việc cấp bách, nhưng cần phải nghiên cứu thận trọng.
Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, phó giáo sư tiến sỹ Trương Mạnh Tiến - Chủ tịch Câu lạc bộ Hồ Hà Nội cho hay: “Cải tạo môi trường hồ Hoàn Kiếm là việc làm cần thiết, song cần phải nghiên cứu thận trọng hơn các hồ khác, để đảm bảo hệ sinh thái thủy sinh, cũng như các nguồn gen quý tại hồ.”
Theo ông Tiến, hồ Hoàn Kiếm có diện tích rộng tới hơn 10 hécta, nếu dùng lượng chế phẩm quá lớn sẽ làm chết các loài thủy sinh, như làm chết cá thì không nên.
“Hơn nữa, hồ Hoàn Kiếm là nơi có nhiều loài thủy sinh sinh sống đồng thời là nơi tâm linh. Vì thế, nếu lạm dụng chế phẩm quá nhiều sẽ gây hại tới hệ sinh thái, tảo cũng như các loài vi sinh vật của hồ,” ông Tiến chia sẻ.
Ông Tiến cũng cho biết, hiện nay, chế phẩm Redocy-3C vẫn đang trong quá trình thử nghiệm, nên phải làm thật tốt khâu này. Bởi lâu nay, các loại chế phẩm mới được thử nghiệm ở các hồ nhỏ.
“Riêng hồ Hoàn Kiếm, có diện tích trên 10 hécta, nên phải sử dụng lượng chế phẩm phù hợp. Hơn nữa, Redocy-3C thực chất vẫn là một loại chế phẩm hóa chất nó có thể diệt luôn tảo và các loài thủy sinh ở đấy nên cần phải thận trọng khi sử dụng,” ông Tiến nhấn mạnh.
Chủ tịch Câu lạc bộ Hồ Hà Nội cũng kiến nghị, để cải tạo hồ Hoàn Kiếm hiệu quả, ngoài việc tham khảo công nghệ tiên tiến về xử lý nước ao hồ từ các nước phát triển, cần có thêm sự tham gia của các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà sinh vật học. Thậm chí là các nhà nghiên cứu lịch sử, nắm rõ thông tin về hồ Hoàn Kiếm.
Có chung quan điểm, bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng cho rằng cải tạo môi trường hồ Hoàn Kiếm là việc làm cần thiết, nhưng biện pháp công nghệ nó phải đi liền với bảo tồn, cảnh quan.
Theo bà Lý, với hiện trạng môi trường hồ Hoàn Kiếm đang rơi vào tình trạng lớp bùn lắng đọng ngày càng dày, thậm chí có nguy cơ trở thành bãi lầy, việc cải tạo môi trường hồ là việc làm cần thiết và cấp bách. Nhưng câu hỏi đặt ra là, sau khi nạo vét xong, việc khôi phục hệ sinh thái đáy hồ sẽ được thực hiện thế nào, và giám sát hệ sinh thái ấy ra sao để không có những tác động xấu về sau?
“Đó là hai vấn đề cần được thể hiện rõ trên giấy cụ thể,” và Lý nói.
Vẫn theo bà Lý, trong quá trình khôi phục hồ, những chế phẩm xử lý nguồn nước cũng cần phải thận trọng. Bởi bất kỳ một chế phẩm nào có tính tương tác cũng có thể ảnh hưởng đến hệ sinh thái của hồ.
Trước đó, ngày 15/2, tại hội thảo về cải tạo môi trường nước hồ Hoàn Kiếm, ông Võ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thoát nước Hà Nội cho biết: “Hồ Hoàn Kiếm đã mất khả năng tự làm sạch, nước bị ô nhiễm. Cá và động thực vật trong hồ chưa được bảo vệ và bổ sung đúng mức đã khiến chất hữu cơ đi vào lòng hồ không trở thành thức ăn mà biến thành chất ô nhiễm.”
Vẫn theo ông Hùng, mật độ thực vật phù du hiện cũng đang có xu hướng tăng dần kéo theo hàm lượng ôxy hòa tan giảm đột ngột vào từng thời điểm khác nhau ảnh hưởng đến sự tồn tại của nhiều động thực vậy trong hồ.
Lớp bùn dưới đáy hồ Hoàn Kiếm cũng rất dày, có nơi lên đến hơn 1m, dẫn đến mực nước thấp chỉ còn 0,7-0,8m. Điều này, gây ảnh hưởng tới môi trường sống của những sinh vật dưới hồ do chứa nhiều kim loại nặng và khí độc.
Từ kết quả phân tích trên, lãnh đạo Công ty Thoát nước Hà Nội cho rằng, việc cải tạo môi trường hồ Hoàn Kiếm là hết sức cấp bách. Theo đó, công ty đã lên kế hoạch và đưa ra các phương án, đặc biệt nhấn mạnh đến 2 phương án nạo vét bùn, thanh thải phế liệu dưới đáy hồ và xử lý, duy trì chất lượng nước hồ.
Thời gian nạo vét bùn dự kiến tốn khoảng 69 ngày trên diện tích hơn 10ha của hồ Hoàn Kiếm. Chất lượng nước hồ Hoàn Kiếm sẽ được xử lý bằng chế phẩm Redocy-3C, chế phẩm đặc biệt xử lý hồ của Đức sản xuất theo đơn đặt hàng độc quyền của thành phố Hà Nội.
Phương án thực hiện xử lý chất lượng nước hồ bằng Redocy-3C theo đúng quy trình cũng đã được Sở Xây dựng chấp thuận./.