Cảnh báo nguy cơ khói mù trở lại ở Đông Nam Á trong năm nay

Giá cả hàng hóa tăng cao dẫn tới việc mở rộng diện tích trồng trọt và nguy cơ các tác nhân xấu sẽ đốt rừng để mở rộng canh tác là một trong những nguyên nhân sẽ khiến khói mù trở lại ở Đông Nam Á.
Cảnh báo nguy cơ khói mù trở lại ở Đông Nam Á trong năm nay ảnh 1Bụi mịn bao phủ thủ đô Bangkok, Thái Lan ngày 8/1/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo báo cáo do Viện các vấn đề quốc tế Singapore (SIIA) công bố ngày 28/6, nguy cơ khói mù có thể quay trở lại khu vực Đông Nam Á trong năm nay, mặc dù khó có thể đạt tới mức nguy hiểm như các sự cố khói mù lớn của những năm trước đây.

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, báo cáo “Triển vọng khói mù 2022” được SIIA công bố tại Đối thoại Singapore về Tài nguyên Thế giới Bền vững (SDSWR) lần thứ 9 tổ chức cùng ngày. Sự kiện được tổ chức kết hợp cả trực tiếp và trực tuyến, thu hút hơn 290 người đăng ký tham dự là các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo doanh nghiệp, các chuyên gia... các nước trên khắp thế giới.

Trên thang điểm rủi ro là Xanh lục (thấp), Hổ phách (trung bình) và Đỏ (cao), báo cáo mới nhất của SIIA đã xếp hạng rủi ro khói mù xuyên biên giới trong năm nay là ở mức trung bình (Hổ phách), thể hiện sự thận trọng hơn so với báo cáo năm 2021, theo đó rủi ro chỉ ở mức thấp.

Báo cáo đánh giá “mặc dù có khả năng khu vực sẽ trải qua một số đợt ô nhiễm khói mù, nhưng sẽ khó có thể ở mức độ tương tự như các sự cố khói mù xuyên biên giới trong các năm 1997-1998, 2013, 2015 và 2019.”

[Không khí tại thủ đô Hà Nội và vùng lân cận ô nhiễm nặng]

Điều này một phần là do điều kiện thời tiết bởi khu vực có khả năng sẽ có nhiều mưa hơn và độ ẩm cao hơn trong những tháng tới, có nghĩa là mùa khô sẽ tương đối ôn hòa, giúp kiểm soát tình trạng khói mù.

Giá cả hàng hóa tăng cao sẽ dẫn tới việc mở rộng diện tích trồng trọt và giải phóng mặt bằng (dẫn tới nguy cơ các tác nhân xấu sẽ đốt rừng để mở rộng canh tác), nhưng quy mô dự kiến sẽ không quá lớn như những năm trước.

Tại Đối thoại SDSWR lần thứ 9, Bộ trưởng Môi trường và Bền vững Singapore Grace Fu kêu gọi các nước ASEAN phải tiếp tục giải quyết những thách thức thường xuyên như khói mù.

Bà cũng cho rằng Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) sắp tới sẽ phải đối mặt với sự kết hợp của 3 yếu tố là dịch COVID-19, xung đột và khí hậu, vốn đã gây ra những sóng gió kinh tế và địa chính trị. Vì thế, các quốc gia cần khơi dậy tinh thần hợp tác để hạn chế nhiệt độ toàn cầu gia tăng.

Phó Giáo sư Simon Tay, Chủ tịch SIIA cũng cho rằng hành động tập thể đã được thực hiện trong khối ASEAN, với việc các chính phủ tăng cường hợp tác thông qua các thỏa thuận song phương.

Về tầm quan trọng của việc duy trì động lực hướng tới hành động vì khí hậu trong khu vực, ông nói thêm rằng "SIIA hy vọng rằng khu vực có thể hướng tới một cộng đồng khí hậu ASEAN để tăng cường khả năng chống chịu với khí hậu và thúc đẩy hợp tác.”

Trong phiên thảo luận về tín dụng carbon tại Đối thoại SDSWR lần thứ 9, các diễn giả đã thảo luận về lý do tại sao các nước ASEAN cần phát triển thị trường carbon và cách thức các doanh nghiệp có thể hưởng lợi từ kinh doanh carbon.

Tại SDSWR lần thứ 9, các diễn giả và đại biểu cũng thảo luận về những hành động tích cực mà các chính phủ và tập đoàn thực hiện trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, đồng thời thảo luận về các cách tiếp cận hợp tác, sáng tạo để bảo tồn rừng, bảo tồn hệ sinh thái trong khối ASEAN./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục