Chính quyền tỉnh Ishikawa, thuộc Bán đảo Noto, miền Trung Nhật Bản, tâm chấn của trận động đất mạnh vừa qua, đã đưa ra cảnh báo về các rủi ro thứ cấp tại các khu vực bị ảnh hưởng thiên tai khi vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ sập nhà và lở đất do mưa lớn kéo dài.
Theo đài quan sát khí tượng khu vực Kanazawa, bầu khí quyển hiện vẫn chưa ổn định do ảnh hưởng của các rãnh áp suất và không khí lạnh trên cao, có thể tác động tới độ vững chắc của kết cấu đất ở vùng Noto, do tác động tích lũy của các trận động đất trước đó và tuyết tan do mưa gây ra.
Hiện có khoảng 30.000 người đang lánh nạn tại các trung tâm sơ tán của Chính phủ, trong bối cảnh gia tăng nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm như cúm và COVID-19.
Trong khi đó, gần 3.500 người vẫn mắc kẹt trong các cộng đồng bị cô lập do đường sá bị chia cắt, sạt lở. Gần 60.000 hộ gia đình không có nước sinh hoạt và hơn 15.000 hộ gia đình không có điện sử dụng.
Tính đến trưa 10/1, số người thiệt mạng liên quan thảm họa động đất tại tỉnh Ishikawa đã lên tới 206 người, trong khi vẫn còn 68 người mất tích.
Cơ quan chức năng xác nhận thêm bảy trường hợp tử vong, trong đó có sáu người ở thành phố Suzu và một người ở thị trấn Noto.
Họ không thiệt mạng trong trận động đất mà qua đời do vết thương hoặc tình trạng bệnh lý diễn biến nghiêm trọng hơn vì bị căng thẳng về thể chất và tinh thần sau thảm họa.
Trận động đất độ lớn 7,6 xảy ra ngày 1/1 đã làm rung chuyển tỉnh Ishikawa và các khu vực lân cận ở miền Trung Nhật Bản, kéo theo hàng trăm dư chấn. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) đặt tên chính thức cho trận động đất là "Động đất Bán đảo Noto 2024."
Theo Công ty Điện lực Hokuriku, cơn sóng thần cao 3m đã xuất hiện gần nhà máy điện hạt nhân Shika, khoảng 20 phút sau khi xảy ra trận động đất độ lớn 7,6 nói trên.
Tuy nhiên, người phát ngôn của Công ty Điện lực Hokuriku khẳng định thảm họa động đất không gây ra vấn đề lớn đối với sự an toàn của nhà máy này, do Shika nằm cao hơn mực nước biển 11m và có tường chắn sóng cao 4m được xây dựng sau thảm họa động đất - sóng thần tại tỉnh Fukushima năm 2011.
Trong khi đó, một số các nhà máy hạt nhân khác dọc theo bờ biển Nhật Bản đã ghi nhận những thiệt hại không đáng kể sau trận động đất, bao gồm rò rỉ nước dùng để làm mát nhiên liệu hạt nhân hoặc bị mất điện một phần. Những sự cố này không gây ra nguy cơ đối với môi trường hoặc bản thân các nhà máy điện hạt nhân.
Nhật Bản - một trong những quốc gia thường xuyên xảy ra động đất nhất thế giới - đã phải đình chỉ hoạt động hơn 30 lò phản ứng hạt nhân sau thảm họa động đất - sóng thần năm 2011. Hiện khoảng 10 lò phản ứng đã hoạt động trở lại./.
Nhật Bản: Sóng thần tấn công nhà máy điện hạt nhân sau động đất
Theo Công ty Điện lực Hokuriku, sóng thần ập đến nhà máy vào khoảng 17h45, khoảng 90 phút sau khi trận động đất có độ lớn 7,6 xảy ra vào ngày 1/1.