Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, ngày 11/6, Cơ quan Hải dương và Khí quyển quốc gia của Mỹ (NOAA) đã lên tiếng cảnh báo rằng “vùng biển chết” - khu vực nơi nước biển có mức độ ôxy thấp tới mức sinh vật biển không thể tồn tại - đang lan rộng và sắp đạt diện tích kỷ lục từng ghi nhận được cho tới nay.
NOAA cho biết nhân tố quan trọng gây ra vùng biển chết rộng lớn trong năm nay là lượng mưa lớn vào mùa xuân cao hơn nhiều mức bình thường, tại nhiều nơi trên châu thổ sông Mississippi, tạo ra lưu lượng nước kỷ lục, cuốn trôi ra biển nhiều phù sa và dưỡng chất khác tại hạ nguồn con sông khổng lồ này.
Mức độ tập trung cao dưỡng chất tại các vùng biển cửa sông làm cho tảo biển lan nhanh. Khi loại thực vật ngắn ngày này chết và phân hủy trong lòng biển, chúng tiêu thụ ôxy từ đáy biển trong một khu vực rộng lớn song song với bờ biển, trải dài từ bang Luisiana tới bang Texas, Mỹ.
[Tình trạng ấm lên tại Bắc Cực làm biến đổi môi trường trên diện rộng]
NOAA ước tính diện tích vùng biển cạn kiệt ôxy hiện đã lên tới 20.200km2 và có thể đạt tới diện tích 22.560km2 trong thời gian tới, gần bằng con số kỷ lục 22.700km2 ghi nhận được vào năm 2017.
Cách đây gần hai thập kỷ, một nhóm nhà khoa học đa ngành tại 12 trong tổng số 31 bang ven sông Mississippi đã đề ra mục tiêu giảm diện tích trung bình (tính theo năm) của “vùng biển chết” ngoài Vịnh Mexico từ 15.000km2 xuống còn 4.900km2.
Tuy nhiên, nhiều nhà môi trường cảnh báo rằng xu hướng tăng dần đều diện tích trung bình của khu vực cạn kiệt ôxy nói trên không đổi từ vài năm qua, và mục tiêu từng được đề ra cách đây hai thập kỷ sẽ không bao giờ đạt được nếu không có những bước đi quyết liệt./.