Chính phủ Pháp bày tỏ lo ngại một số nước sẽ lợi dụng các cuộc biểu tình của phe “áo vàng” để kiềm chế những nỗ lực trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Tuyên bố này được Bộ trưởng đặc trách chuyển đổi năng lượng Pháp Brune Poirson đưa ra ngày 10/12 bên lề Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP 24) đang diễn ra tại Katowice, Ba Lan.
Bà Poirson lưu ý “sẽ thật nguy hiểm khi cho rằng toàn bộ cuộc khủng hoảng này là do môi trường” bởi đây là vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội có quy mô lớn hơn. Quan chức này nhấn mạnh sự có mặt của bà tại hội nghị nhằm giúp các nước hiểu rõ tình hình ở Pháp.
Bà Poirson cho rằng không nên nhầm lẫn mọi thứ với nhau khi “phong trào áo vàng lớn hơn nhiều và vượt xa vấn đề chuyển tiếp sinh thái.”
Bà Poirson cho biết thêm: “Nguy cơ ở đây là các quốc gia khác sẽ lợi dụng những gì xảy ra ở Pháp và chỉ xét tới vấn đề chuyển tiếp sinh thái và thuế đánh vào carbon nghèo nàn để kiềm chế tham vọng liên quan vấn đề biến đổi khí hậu.”
Thừa nhận rằng cần phải vạch ra cách thức nhằm chuyển đổi sang nguồn năng lượng sạch “theo cách công bằng nhất có thể,” bà Poirson nhấn mạnh mục tiêu cuối cùng của Pháp vẫn được duy trì, tức là giảm phụ thuộc vào dầu mỏ và đẩy nhanh tiến trình “chuyển tiếp sinh thái.”
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh cuộc biểu tình của lực lượng áo vàng vốn xuất phát từ việc phản đối chính sách tăng thuế nhiên liệu đã không ngừng leo thang trong suốt 3 tuần qua, gây ra những hậu quả nặng nề. Nhiều người biểu tình quá khích đã phóng hỏa đốt ôtô, cướp phá các cửa hàng và thậm chí còn bôi bẩn Khải Hoàn Môn, công trình biểu tượng nổi tiếng của nước Pháp. Hơn 200 người đã bị thương trong các cuộc biểu tình khắp cả nước, trong đó có nhiều nhân viên an ninh. Làn sóng biểu tình dẫn tới tình trạng bạo loạn đã khiến cộng đồng doanh nghiệp Pháp quan ngại bởi thiệt hại lên tới hàng tỷ euro.
Đại diện gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ đang tham dự hội nghị tại Katowice diễn ra đến cuối tuần này nhằm nỗ lực triển khai những cam kết đã được nhất trí trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ký năm 2015. Theo thỏa thuận này, các nước tham gia cam kết ngăn mức tăng nhiệt của Trái Đất không vượt quá 2 độ C và dưới 1,5 độ C nếu có thể.
Ngày 8/12 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump viện dẫn các cuộc biểu tình ở Pháp để chứng minh ông đã đúng khi phản đối Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Trên mạng xã hội Twitter, ông Trump viết: “Có lẽ đã đến lúc chấm dứt Hiệp định Paris lố bịch, cực kỳ tốn kém và trả lại tiền cho người dân với mức thuế thấp hơn?”./.