Cảnh giác với bẫy lừa đảo mạo danh 'học kỳ công an,' 'trại hè quân đội'

Chị M (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) lên mạng xã hội Facebook để tìm khóa học Hè cho con, sau đó bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Công an khuyến cáo người dân cảnh giác trước bẫy lừa đảo từ các trang đăng ký trại Hè. (Nguồn: Công an thành phố Hà Nội)
Công an khuyến cáo người dân cảnh giác trước bẫy lừa đảo từ các trang đăng ký trại Hè. (Nguồn: Công an thành phố Hà Nội)

Thời gian qua, nhiều người đã mắc bẫy lừa đảo khi tham gia đăng ký các khóa học “Trại Hè kỹ năng-Học kỳ Công an Nhân dân nhí," “Trại Hè kỹ năng-Học kỳ Công an Nhân dân," “Trại Hè quân đội," “Trải nghiệm quân đội Hè”... trên mạng xã hội Facebook.

Bị lừa hơn 1 tỷ đồng khi đăng ký khóa học trên mạng

Theo Công an thành phố Hà Nội, thời điểm chuẩn bị kết thúc năm học cũng là lúc các bậc cha mẹ tìm kiếm các khóa học hè cho con em mình. Các khóa học hè đa dạng hơn, từ các nhà trường cho đến các trung tâm dạy năng khiếu. Nhiều gia đình muốn chọn cho con mình các khóa học trải nghiệm học kỳ Công an Nhân dân, Quân đội Nhân dân.

Mới đây, chị M (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) lên mạng xã hội Facebook để tìm cho con khóa học Hè cho con. Chị thấy xuất hiện nhiều fanpage với các nội dung quảng cáo tham gia “Học kỳ trong quân đội 2024."

Khi thấy chị M có nhu cầu, đối tượng dẫn dụ nạn nhân cho số điện thoại và chuyển sang nhắn tin Zalo, Telegram. Để tránh sự nghi ngờ của nạn nhân khi các thủ đoạn về “thực hiện nhiệm vụ” đã được cảnh báo nhiều lần trước đó, các đối tượng chuyển từ yêu cầu “thực hiện nhiệm vụ” sang yêu cầu “khảo sát."

trai he lua dao 2.jpg
Người dân cần cảnh giác trước các trang đăng ký trại Hè có dấu hiệu lừa đảo. (Nguồn: Công an thành phố Hà Nội)

Chị M được yêu cầu thực hiện các “khảo sát” để đạt điểm tín nhiệm cao. Tham gia “khảo sát 1” với số tiền hơn 3 triệu đồng, “khảo sát 2” với số tiền hơn 10 triệu đồng, chị M đều được hoàn lại tiền và được trả phí khảo sát nhỏ.

Khi tham gia “khảo sát 3” với số tiền 35 triệu đồng, chị M không nhận được tiền. Các đối tượng lấy các lý do khác nhau để yêu cầu chị chuyển tiền và để lấy lại số tiền chưa được hoàn.

Chỉ trong vòng 5 tiếng, chị M đã thực hiện các giao dịch chuyển tiền và bị các đối tượng chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng.

Tương tự chị M, chị T (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng lên mạng xã hội Facebook để tìm cho con khóa học hè để “rèn kỹ năng, tăng trải nghiệm." Chị muốn con được rèn luyện tính kỷ luật, giờ giấc sinh hoạt, rèn luyện sức khỏe và trang bị các kiến thức như phòng cháy chữa cháy, thoát hiểm, kỹ năng sơ cấp cứu...

Qua tìm hiểu, chị T đã liên hệ với trang Facebook “Trải nghiệm làm chiến sỹ biên phòng” và đăng ký cho con. Sau đó, chị T được thêm vào 1 nhóm Telegram để làm nhiệm vụ thanh toán tiền hàng cho hãng tài trợ chương trình và hưởng hoa hồng 10%.

Sau 5 lần thanh toán đơn hoa hồng và được nhận tiền về tài khoản cùng phí hoa hồng, chị chuyển tiền lần thứ 6 nhưng không nhận được tiền về tài khoản với lý do: “sai quy trình," “sai cú pháp."… Chị đã chuyển 600 triệu đồng và bị chiếm đoạt hết số tiền trên.

Cẩn trọng, tìm hiểu kỹ thông tin về các khóa học Hè

Theo lực lượng công an, lợi dụng nhu cầu tìm kiếm các khóa học, chương trình ngoại khóa trong dịp nghỉ Hè, gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều tài khoản Facebook “Trại Hè Kỹ năng-Học kỳ CAND nhí," "Trại Hè Kỹ năng-Học kỳ CAND," "Trại Hè quân đội," “Trải nghiệm quân đội Hè” có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của những người đăng ký tham gia.

Các tài khoản này tự giới thiệu có kết nối với các đơn vị công an, quân đội trên toàn quốc. Học viên tham gia sẽ được trải nghiệm môi trường đào tạo của lực lượng Công an Nhân dân, Quân đội Nhân dân; được hỗ trợ ăn uống, đồng phục và chứng nhận của các đơn vị công an, quân đội.

Ở mục thông tin giới thiệu có thông tin địa điểm là trụ sở làm việc của các đơn vị quân đội; đăng tải các hình ảnh, bài viết từ các trang chính thống của lực lượng quân đội. Thậm chí, các đối tượng còn sử dụng hình ảnh hoạt động của lực lượng quân đội để đăng tải trong các bài viết quảng cáo.

trai he lua dao 1.jpg
Nhiều fanpage giới thiệu Trại hè Công an Nhân dân, Quân đội Nhân dân có dấu hiệu lừa đảo. (Nguồn: Công an thành phố Hà Nội)

Khi phụ huynh đăng ký tham gia chương trình, các đối tượng cung cấp cho phụ huynh mã ứng tuyển của con và số điện thoại Zalo của tư vấn viên, dẫn dắt các bậc phụ huynh truy cập vào Zalo để đăng ký thông tin cá nhân.

Sau khi đăng ký thông tin cá nhân, các đối tượng yêu cầu phụ huynh tham gia nhóm Telegram để thực hiện các nhiệm vụ đóng tiền rồi chiếm đoạt tài sản.

Để phòng tránh lừa đảo, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cẩn trọng, tìm hiểu kỹ thông tin về các khóa học trên các trang mạng để tránh bị lừa đảo.

Khi muốn đăng ký cho con học những khóa trải nghiệm, kỹ năng, phụ huynh nên liên hệ hoặc gọi điện thoại đến các trường, đơn vị để hỏi, xác minh rõ ràng. Việc đăng ký nên thực hiện trực tiếp thay vì trực tuyến, chuyển khoản.

Lực lượng chức năng khuyến cáo người dân tuyệt đối không làm theo hướng dẫn chuyển tiền cho bất cứ ai và bất cứ lý do gì nếu chưa xác định chính xác danh tính người nhận tiền.

Trong trường hợp bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Một chiếc tàu chở tàu không rõ nguồn gốc tại thành phố Vũng Tàu. (Ảnh: TTXVN phát)

Phát hiện 2 tàu chở dầu DO không rõ nguồn gốc

Tàu cá TG 92267 TS trên vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu có hành vi chở dầu DO không rõ nguồn gốc; một chiếc tàu khác do ông Nguyễn Thanh làm thuyền trưởng cũng bị bắt giữ ở khu vực biển Khánh Hòa.