Lực lượng cảnh sát của 5 nước châu Âu gồm Anh, Bỉ, Đức, Hà Lan và Pháp đã tiến hành một chiến dịch xuyên biên giới chống nạn buôn người và bắt giữ nhiều đối tượng.
Giới chức Đức cho biết chiến dịch có sự tham gia của hàng trăm nhân viên cảnh sát thuộc cả Cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol) và cơ quan Tư pháp Liên minh châu Âu (Eurojust), đã được thực hiện tại thành phố Osnabrueck, phía Tây Bắc nước Đức - nơi được xem là sào huyệt của các đường dây buôn người.
[Dịch COVID-19 gây tác hại đáng lo ngại về vấn nạn buôn người ở châu Âu]
Tại đây, lực lượng cảnh sát của các nước đã phối hợp tiến hành lục soát và bắt giữ tại một số đối tượng.
Theo tờ Der Spiegel (Đức), chiến dịch này nhắm vào các nhóm tội phạm có tổ chức chuyên đưa người sang England (Anh).
Báo dẫn nguồn tin cảnh sát Osnabrueck cho biết mạng lưới buôn người tại đây đã đưa 10.000 người vượt biên qua Eo biển Manche trong 12 đến 18 tháng qua.
Lực lượng đặc nhiệm cũng được huy động tham gia chiến dịch này do lo ngại các băng nhóm tội phạm có vũ trang và nguy hiểm.
Mặc dù không còn là thành viên của Liên minh châu Âu, Anh vẫn tham gia chiến dịch này bởi quốc gia này là đích đến của số đông người di cư khi vào châu Âu thông qua Eo biển Manche nối với Pháp.
Quan hệ giữa Anh và Pháp theo đó cũng xấu đi liên quan đến vấn đề người di cư.
Theo Bộ Nội vụ Pháp, bất chấp cam kết hợp tác giữa hai nước, số người di cư tìm cách vượt Eo biển Manche từ Pháp vào Anh tăng mạnh trong nửa đầu năm 2022.
Cụ thể, tính đến ngày 13/6, có 777 vụ vượt biên trái phép liên quan đến 20.132 người được ghi nhận tại đây, tức tăng 68% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong một chính sách gây tranh cãi, Anh dự kiến trục xuất những người di cư bất hợp pháp, bao gồm cả những người nhập cảnh qua Eo biển Manche, đến Rwanda theo một thỏa thuận với quốc gia châu Phi này.
Tuy nhiên, chuyến bay đầu tiên dự kiến diễn ra vào tháng trước đã bị hủy sau sự can thiệp vào phút cuối của Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECHR) có trụ sở tại Strasbourg./.