Cảnh sát Đức đã bắt giữ một nghi can gián điệp Thổ Nhĩ Kỳ

Cảnh sát Đức đã bắt giữ một người đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ với cáo buộc cung cấp các thông tin về những người Kurd đang sống tại Đức cho Cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ.
Cảnh sát Đức đã bắt giữ một nghi can gián điệp Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 1Cảnh sát đặc nhiệm Đức. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Chiều tối 16/12 theo giờ địa phương, Văn phòng Công tố Liên bang Đức cho biết cảnh sát nước này đã bắt giữ một người đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ với cáo buộc cung cấp các thông tin về những người Kurd đang sống tại Đức cho Cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ.

Vụ bắt giữ diễn ra ở Hamburg, thành phố cảng miền Bắc nước Đức. Người bị bắt có tên viết tắt là M.S., 32 tuổi. Cảnh sát đã khám xét nơi ở của người này.

Thông báo của Văn phòng Công tố Liên bang Đức cho hay người đàn ông bị bắt do "tình nghi làm việc cho Cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ và cung cấp thông tin về những người Kurd sống tại Đức, trong đó có nơi ở, liên lạc và các hoạt động chính trị."

Tuy nhiên, cơ quan này không cung cấp chi tiết mối liên hệ giữa nghi phạm và Ankara, cũng như thời gian người đó sống tại Đức.

Vụ bắt giữ có thể khiến mối quan hệ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ càng trở nên căng thẳng. Trước đó, chính quyền Ankara đã cáo buộc Berlin cung cấp nơi ẩn náu an toàn cho các chiến binh người Kurd thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK) - tổ chức vốn bị Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ xem là khủng bố, trong khi Đức bác bỏ điều này.

Kể từ tháng 6 vừa qua, quan hệ giữa hai quốc gia đồng minh trong khối NATO đã trở nên căng thẳng khi Quốc hội Đức thông qua nghị quyết thừa nhận tội ác chống người Armenia năm 1915 của đế chế Ottoman là diệt chủng.

Đức cũng quan ngại về các vụ bắt giữ hàng loạt kể từ sau vụ đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng Bảy. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier từng chỉ trích Ankara về các vụ bắt giữ các lãnh đạo đối lập người Kurd./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.