Cao tốc Bắc-Nam: Phải có văn phòng chỉ huy ngay tại công trường

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu mỗi Ban, dự án phải có Văn phòng chỉ huy tại công trường, thuê trụ sở đảm bảo các điều kiện làm việc, sinh hoạt, tổ chức phải chuyên nghiệp.
Nhà thầu thi công dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)

Ngoài việc yêu cầu giải quyết về vấn đề giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu đất đắp dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể yêu cầu các Ban Quản lý dự án, nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ đi kèm với chất lượng công trình là yếu tố hàng đầu.

“Tăng tốc” giải quyết vật liệu đất đắp

Tại cuộc họp giao ban trực tuyến hàng tuần với các cơ quan đơn vị vào chiều 16/3, theo báo cáo của Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, dự án cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 khối lượng giải phóng mặt bằng còn lại khoảng 0,1km/652,86km chưa bàn giao mặt bằng và 01/83 khu tái định cư chưa hoàn thành.

Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ, trong tháng Ba, các đơn vị của Bộ đã phối hợp với các địa phương giải quyết được 4,16 triệu m3; hiện tiếp tục giải quyết các thủ tục để cung cứng khối lượng còn lại khoảng 8,43 triệu m3 đất đắp tại 5 dự án thành phần. Các địa phương cũng đang tích cực tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, dự kiến sẽ cơ bản cung cấp đủ nguồn vật liệu đắp nền đường trong tháng 3/2022.

Đến nay, 10 dự án đang triển khai thi công xây dựng; lũy kế khối lượng xây lắp hoàn thành đến nay khoảng 31,1% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 1,41% so với kế hoạch; có 8 dự án đáp ứng và cơ bản đáp ứng tiến độ, 2 dự án chậm so với kế hoạch, trong đó dự án Diễn Châu-Bãi Vọt đến nay chậm 6,79% giá trị hợp đồng so với kế hoạch, Vĩnh Hảo-Phan Thiết đến nay chậm 8,89% giá trị hợp đồng so với kế hoạch điều chỉnh.

[Không để sai phạm trong công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông]

Trong tuần này, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải sẽ làm việc với lãnh đạo cấp cao của các nhà thầu thi công dự án để yêu cầu ký cam kết hoàn thành các gói thầu đúng tiến độ; huy động tối đa mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công bù đắp khối lượng chậm tiến độ đảm bảo hoàn thành các gói thầu, dự án đúng tiến độ cam kết; kiên quyết có biện pháp xử lý đối với các nhà thầu vi phạm tiến độ (cắt chuyển khối lượng, bổ sung thầu phụ, xem xét không cho tham gia các dự án do Bộ quản lý trong thời gian tới...).

Đối với cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025, theo báo cáo của các Ban Quản lý dự án, đến này việc triển khai dự án cơ bản đang bám sát theo kế hoạch. Tuy nhiên, khối lượng công việc còn lại phải hoàn thành để đảm bảo đủ điều kiện phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án còn rất lớn như thủ tục lập hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước hai vụ; lập phê duyệt khung chính sách giải phóng mặt bằng; giám sát đầu tư cộng đồng… nên cần có sự triển khai quyết liệt, có hiệu quả của các cơ quan, đơn vị.

Hiện có 9/12 tỉnh đã có văn bản thỏa thuận hướng tuyến và công trình trên tuyến, 3 tỉnh còn lại là Bình Định, Hậu Giang, Kiên Giang. Quân khu 4, Quân khu 5 đang xin ý kiến Bộ Quốc phòng để có văn bản trả lời về hướng tuyến đi qua các khu vực đất và công trình quốc phòng.

Các Ban đã trình hồ sơ thiết kế cơ bản khoảng 174,8 km/12 dự án. Đến ngày 15/3, Bộ Giao thông Vận tải đã chấp thuận kết quả thẩm định và bàn giao cho địa phương được 133,8 km/12 dự án, còn lại 41km trình nhưng chưa đủ điều kiện để chấp thuận.

Đối với các đoạn còn lại, Bộ yêu cầu các Ban kiểm soát chặt chẽ tiến độ để bàn giao theo các mốc tiến độ đợt 2 (trước 30/4/2022) và đợt 3 (trước 30/6/2022).

Đánh giá nỗ lực rất lớn của các đơn vị để triển khai các thủ tục bám sát tiến độ theo kế hoạch, tuy nhiên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho hay công tác giải phóng mặt bằng là đường găng rất lớn của dự án. Vì vậy, các Ban Quản lý dự án phải tập trung đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị tư vấn phải hoàn thiện hồ sơ thiết kế cơ bản; hoàn thành đến đâu bàn giao ngay cho địa phương để triển khai ngay việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, không chờ đến mốc thời gian đã đề ra.

Chất lượng là tiên quyết

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Thể đánh giá hiện nay áp lực công việc là vô cùng lớn, vừa đảm bảo tiến độ thi công giai đoạn 1 nhưng phải đảm bảo tiến độ, chất lượng công tác triển khai dự án giai đoạn 2.

Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị liên quan của Bộ đã rất nỗ lực, trách nhiệm làm ngày làm đêm, tuy nhiên để đảm bảo được hiệu quả công việc và tiến độ triển khai đồng thời cả 2 giai đoạn, yêu cầu các Ban Quản lý dự án phải tiếp tục tập trung  kiện toàn bộ máy nhân sự của các Ban.

Khẳng định tiến độ rất gấp rút nhưng chất lượng phải là ưu tiên hàng đầu, Bộ trưởng Thể nhấn mạnh phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

“Các cơ quan đơn vị liên quan, đặc biệt là giám đốc các Ban Quản lý dự án phải quản lý được tình hình triển khai tại hiện trường, phải nắm bắt đánh giá đầy đủ những thông tin, biến động ảnh hưởng đến dự án để kịp thời điều chỉnh kế hoạch triển khai chi tiết đảm bảo phù hợp tình hình thực tế; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và vật liệu cho dự án," Tư lệnh ngành giao thông nêu rõ.

Ông Thể cũng kiên quyết xử lý các nhà thầu vi phạm hợp đồng; mục tiêu phải đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án trước mắt là đối với 4 dự án hoàn thành trong năm 2022; tính toán kỹ lưỡng và báo cáo, cam kết với Bộ về khả năng rút ngắn tiến độ với từng dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

[Hàng loạt các dự án cao tốc Bắc-Nam đăng ký rút ngắn tiến độ về đích]

Bộ trưởng giao Vụ Khoa học và Công nghệ và Giám đốc các Ban phối hợp khẩn trương rà soát, điều chỉnh ngay những tiêu chuẩn không còn phù hợp, phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Với giai đoạn 2, ông Thể yêu cầu mỗi Ban, dự án phải có Văn phòng chỉ huy tại công trường, thuê trụ sở đảm bảo các điều kiện làm việc, sinh hoạt, tổ chức phải chuyên nghiệp; phải tổ chức ngay bộ máy để hoạt động ngay từ bây giờ; khẩn trương rà soát khung khổ pháp lý để tham mưu cho Bộ có ngay hướng dẫn cho địa phương triển khai công tác đền bù, hỗ trợ, tái định cư theo tinh thần Nghị quyết 18.

“Các Ban Quản lý dự án ngay từ thời điểm này phải bám sát kế hoạch triển khai của Bộ, chủ động phối hợp chặt chẽ với địa phương đồng thời chỉ đạo Tư vấn phải tiến hành khảo sát, thí nghiệm, tính toán, xác định vị trí, trữ lượng, chất lượng và xây dựng hồ sơ liên quan đến mỏ vật liệu, bãi đổ thải…phải đảm bảo tính chính xác cao, kỹ lưỡng, hiệu quả để giai đoạn tổ chức thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng của công trình,” Bộ trưởng Thể quán triệt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục