Trong khi Indonesia mất 15 năm để xây dựng khung trình độ quốc gia, Thái Lan mất 10 năm nhưng Việt Nam chỉ có hai năm để thực hiện nhiệm vụ này. Theo đó, dự kiến khung trình độ quốc gia Việt Nam sẽ được Bộ Giáo dục Đào tạo và Bộ Lao động, Thương Binh, Xã hội trình Thủ tướng vào tháng 4/2014. Đây là những thông tin được đưa ra tại Hội nghị Xây dựng khung trình độ quốc gia–Hỗ trợ Việt Nam hội nhập ASEAN. Hội nghị do Hội đồng Anh phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức sáng nay, 15/8, tại Hà Nội. Nguyên nhân mất lòng tin Theo ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, khung trình độ quốc gia thể hiện mức độ và tiêu chuẩn đầu ra của một trình độ hoặc văn bằng đạt được. Tuy nhiên, trên thực tế ở Việt Nam có rất nhiều loại văn bằng với nhiều loại hình đào tạo khiến xã hội khó hiểu và chuẩn đầu ra không được xã hội tin tưởng. Ví dụ cụ thể, ông Vinh cho biết, hiện ở bậc trung cấp có trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp. Hai loại bằng cấp này về cơ bản như nhau nhưng thuật ngữ khác nhau, thuộc hai hệ thống khác nhau (hệ trung cấp nghề thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, hệ trung cấp chuyên nghiệp thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo-PV), gây khó hiểu cho người sử dụng lao động và Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp đã phải nhiều lần giải thích cho doanh nghiệp. Các loại văn bằng cũng không tạo được lòng tin của xã hội khi hàng loạt địa phương, doanh nghiệp lên tiếng không tuyển người có bằng tại chức, bằng do trường đại học ngoài công lập cấp. Cùng chia sẻ về vấn đề này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Mạc Văn Tiến, Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học dạy nghề, thuộc Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cho rằng, nguyên nhân của sự mất lòng tin là do chuẩn đầu ra của đào tạo chưa tốt. Tiến sĩ Mạc Văn Tiến nêu ra thực trạng người lao động thiếu kỹ năng, không đáp ứng được yêu cầu; việc chuyển từ đào tạo hướng cung sang hướng cầu còn chậm. "Nhà trường dạy cái mình có chứ không phải cái doanh nghiệp cần," ông Tiến phân tích. Tình trạng này đã làm gia tăng sự mất cân đối trong trình độ đào tạo, làm tăng tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp, phải làm trái nghề hoặc dưới trình độ. “Đây thực sự là một lãng phí lớn. Nguyên nhân là chưa hình thành chuẩn đầu ra hướng tới nhu cầu của người sử dụng lao động. Việc xác định khung trình độ quốc gia sẽ giúp điều chỉnh vấn đề này,” ông Tiến cho biết.
Miệt mài trên giảng đường nhưng nhiều sinh viên không tìm được việc khi ra trường.
Ảnh minh họa: Phạm Mai/Vietnam+)
Thách thức không hẳn là thời gian Việc ban hành khung trình độ quốc gia là cần thiết, tuy nhiên, theo các đại biểu, sẽ là một thách thức lớn cho Việt Nam khi thời gian không còn nhiều. Theo kế hoạch, đến năm 2015 sẽ hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Điều này đồng nghĩa với việc sẽ hình thành một thị trường lao động chung. Việc hình thành khung trình độ quốc gia ở mỗi nước, tiến tới công nhận khung trình độ chung ASEAN, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các lao động dù làm việc ở nước nào cũng được công nhận và trả lương tương xứng với trình độ của mình. Hiện trong khối ASEAN còn 4 nước chưa xây dựng khung trình độ quốc gia là Việt Nam, Lào, Campuchia và Mianma. Lộ trình của Việt Nam là đến tháng 4/2014, hai bộ phải thống nhất và trình Chính phủ phê duyệt Khung trình độ quốc gia. “Thách thức lớn nhất là thời gian. Indonesia xây dựng khung trình độ quốc gia mất 15 năm, Thái Lan mất 10 năm, Áo mất 8 năm, Đức mất 5 năm… nhưng chúng ta chỉ còn hơn một năm,” ông Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, chia sẻ. Theo ông Hoàng Ngọc Vinh, hiện đã có hai phương án dự kiến cấu trúc của khung trình độ quốc gia. Cả hai phương án đều gồm các chuẩn cho từng nấc từ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ, trong đó bậc trung cấp sẽ thống nhất trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp. Điểm khác nhau giữa hai phương án là ở bậc cao đẳng, một phương án gộp cả cao đẳng và cao đẳng nghề, một phương án vẫn tách riêng. Trên thực tế, việc thống nhất hệ đào tạo nghề của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội với hệ giáo dục chuyên nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được bàn đến từ nhiều năm nay, nhưng chưa đi đến hồi kết do bên nào cũng muốn đảm bảo quyền lợi của mình. Theo ông Lân, tới đây Chính phủ sẽ làm quyết liệt chuyện này, do đó, việc gộp hệ trung cấp là chắc chắn. “Tuy nhiên, sau khi gộp, hệ này sẽ thuộc Bộ nào là vấn đề… nhạy cảm. Là người của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tôi đương nhiên cũng muốn hệ này vẫn thuộc Tổng cục nghề,” ông Lân nói. Riêng với hệ cao đẳng, ông Lân cho biết ông ủng hộ phương án không gộp, dù thừa nhận về cơ bản, cả hai hệ này sinh viên tốt nghiệp đều đảm nhận công việc như nhau. Điều này cũng không quá khó hiểu vì khi gộp hai loại hình đào tạo cao đẳng, khả năng hệ này thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo cao hơn thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Có thể thấy, khi xây dựng khung trình độ quốc gia nói riêng cũng như khi bàn đến các vấn đề của giáo dục đào tạo nói chung, nếu các cơ quan chức năng không xuất phát từ quyền lợi của người học, người lao động thì sẽ khó đạt được hiệu quả. Đây có lẽ mới là thách thức lớn nhất bởi theo ông Lân, vấn đề thời gian, nếu cố gắng vẫn có thể hoàn thành đúng thời hạn./.
Yêu cầu về xây dựng khung trình độ quốc gia về giáo dục tương thích với các nước trong khu vực và trên thế giới đã được chỉ rõ trong Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020, do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 6/2012.
Theo ông Hoàng Ngọc Vinh, khung trình độ quốc gia là cấu trúc và những đặc trưng chính của các trình độ của một quốc gia trong phạm vi giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Thông thường, nó thể hiện mức độ và tiêu chuẩn đầu ra của một trình độ hoặc văn bằng đạt được.
Việc ban hành khung trình độ quốc gia nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác giáo dục và việc làm giữa các quốc gia trên cơ sở công nhận văn bằng chứng chỉ của nhau.
Điều này cũng giúp thúc đẩy việc học tập suốt đời. Người học tùy điều kiện của mình trong từng thời điểm có thể phấn đấu đạt các tiêu chí của từng nấc trình độ.
Bên cạnh đó, khung trình độ quốc gia sẽ hình thành cơ chế đảm bảo chất lượng gắn với việc công nhận văn bằng và trình độ tương ứng để xã hội có lòng tin vào giá trị của văn bằng. Theo đó, giáo dục đào tạo sẽ được phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động, làm cho văn bằng trở nên dễ hiểu với người sử dụng lao động và người tốt nghiệp một trình độ.
|