Một báo cáo phân tích đưa ra ngày 11/2 cho thấy các nước sản xuất dầu và khí đốt có thể mất tới 9.000 tỷ USD lợi nhuận khi thế giới đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
Chiều hướng chuyển đổi sử dụng năng lượng này sẽ gây khó khăn cho các quốc gia nghèo nhưng giàu tài nguyên.
Theo đánh giá của công ty giám sát ngành Carbon Tracker, hơn 400 triệu người sống ở các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nơi doanh thu từ nhiên liệu hóa thạch giảm có thể khiến thu nhập chính phủ giảm ít nhất 20%, dẫn đến dịch vụ công bị cắt giảm và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao hơn.
50% trong số đó sống ở Nigeria, nơi doanh thu từ dầu mỏ giảm 70% sẽ khiến nguồn thu ngân sách của nhà nước giảm đi 1/3.
Khi năng lượng tái tạo như gió và Mặt Trời trở nên rẻ hơn so với nhiên liệu hóa thạch, các quốc gia sản xuất dầu có nguy cơ lỗ 13.000 tỷ USD vào năm 2040.
Báo cáo cảnh báo rằng các chính phủ cần phải hành động ngay để giảm sự phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu khí hoặc đối mặt với nguy cơ lãng phí vốn và các dự án cơ sở hạ tầng lỗi thời.
[Cả thế giới cùng nhau thay đổi để 'tái lập' Hành tinh Xanh]
Andrew Grant, người đứng đầu bộ phận khí hậu, năng lượng và công nghiệp tại Carbon Tracker, cho biết các thông báo gần đây từ các cường quốc lớn như Trung Quốc và Nhật Bản đã tạo thêm động lực cho việc chuyển hướng khỏi năng lượng gây ô nhiễm cao.
Báo cáo cũng cho hay bảy quốc gia, bao gồm Angola và Azerbaijan, có thể mất ít nhất 40% tổng doanh thu chính phủ vào năm 2040 nếu dầu không giữ được giá ở mức dự báo dài hạn của OPEC là 60 USD/thùng.
Dưới sức ép từ biến đổi khí hậu, các công ty dầu mỏ hàng đầu thế giới cũng đã phải gánh chịu những tổn thất lớn nhất lịch sử vào năm 2020 khi đại dịch COVID-19 khiến nhu cầu và giá dầu giảm mạnh.
Các công ty dầu mỏ lớn như BP, Chevron, ExxonMobil, Shell và Total đã chịu lỗ tổng cộng 77 tỷ USD trong năm 2020.
Tháng trước, hãng xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings nhận định việc chuyển đổi năng lượng, giá cả biến động và lợi nhuận yếu kém đang làm gia tăng rủi ro cho các nhà sản xuất dầu khí.
Hãng này cũng đã đặt cổ phiếu của Chevron, ExxonMobil, Shell, Total cũng như Tập đoàn dầu khí Trung Quốc CNOOC vào tình trạng bị hạ mức xếp hạng tín nhiệm./.