Theo trang mạng scmp.com/nytimes.com, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), hơn 100 quốc gia đã ký cam kết đến năm 2030 cắt giảm ít nhất 30% lượng phát thải khí methane so với mức của năm 2020.
Tuy nhiên, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ đã "đứng ngoài" cam kết đối với loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ hai sau carbon dioxide này.
Cam kết nói trên mang tên Cam kết giảm phát thải methane toàn cầu, được công bố tại COP26 hôm 2/11 vừa qua, có sự tham gia của các nước có lượng phát thải khí này chiếm gần một nửa tổng lượng phát thải methane toàn cầu.
Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ từng đưa ra đề xuất này hồi tháng 9/2021 và nhận được sự ủng hộ của một số nước có mức phát thải methane hàng đầu thế giới như Brazil, Indonesia, Pakistan và Argentina.
Các nước ký kết cam kết nói trên thừa nhận rằng việc cắt giảm đáng kể lượng phát thải methane cần đạt được trên quy mô toàn cầu trước năm 2030 nếu thế giới muốn đạt được mục tiêu mà Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đặt ra về việc duy trì nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 2 độ C, đồng thời thúc đẩy những nỗ lực nhằm giới hạn tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C.
[Dự thảo tuyên bố chung của COP26: Kêu gọi loại bỏ dần than đá]
Theo trang mạng tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), khí methane chiếm 17% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu do các hoạt động của con người gây ra, chủ yếu từ ba lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp và xử lý rác thải.
Hồi tháng Năm vừa qua, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) công bố báo cáo mang tên Đánh giá mức phát thải methane toàn cầu, trong đó chỉ ra rằng khả năng cắt giảm loại khí thải này ở những lĩnh vực khác nhau sẽ không đồng đều ở các nước. Ví dụ, nếu như khả năng cắt giảm khí này ở châu Âu và Ấn Độ phụ thuộc vào lĩnh vực xử lý rác thải, ở Trung Quốc lại là ở lĩnh vực sản xuất than đá.
Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới cũng ghi nhận lượng phát thải khí methane do con người gây ra, đã không ký vào cam kết nói trên. Phát biểu tại buổi họp báo hôm 3/11 vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã không giải thích trực tiếp vì sao Trung Quốc không tham gia cam kết này, song lại nói rằng các nước đang phát triển thường có dữ liệu cơ sở yếu kém và thiếu công nghệ giám sát cũng như các biện pháp hiệu quả.
Tuy nhiên, ông Uông nói rằng Trung Quốc sẽ tăng cường nỗ lực để kiểm soát lượng khí thải phi carbon dioxide gây hiệu ứng nhà kính, gồm methane và khí HFC, như đã đề ra trong Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội thứ 14 của nước này.
Trong bản cập nhật cam kết giảm thiểu khí thải nhà kính được gửi lên Liên hợp quốc hồi tuần trước, Trung Quốc cho biết nước này sẽ thực hiện kế hoạch hành động để tăng cường kiểm soát lượng phát thải khí phi CO2 gây hiệu ứng nhà kính.
Theo một nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Đại học Bắc Kinh tiến hành hồi tháng 10 vừa qua, lượng phát thải khí methane ở Trung Quốc đã tăng thêm 40% trong những năm 2000, chiếm 16% lượng phát thải khí nhà kính cho con người gây ra trên phạm vi toàn cầu.
Đằng Phi, Phó Giám đốc Viện Kinh tế Môi trường Năng lượng thuộc Đại học Thanh Hoa, cho rằng vấn đề dữ liệu cơ sở yếu kém và những khó khăn trong việc cắt giảm 30% lượng phát thải khí methane trước năm 2030 là những lý do chính giải thích vì sao Trung Quốc không tham gia cam kết nói trên.
Chuyên gia Đằng Phi cũng cho rằng sẽ không hề dễ dàng gì để Trung Quốc đạt được mục tiêu cắt giảm 30% lượng phát thải methane trước năm 2030 vì nước này vẫn phụ thuộc vào hoạt động sản xuất nông nghiệp. Theo chuyên gia này, sản xuất nông nghiệp và sản xuất than đá là hai hoạt động chính gây ra lượng phát thải khí methane tại Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc đang cắt giảm hoạt động sản xuất than đá, song mức phát thải khí methane từ những mỏ than không được khai thác vẫn là điều không rõ ràng.
Liên quan đến vấn đề cắt giảm khai thác, sản xuất và sử dụng than đá, loại nhiên liệu hóa thạch "bẩn nhất" thế giới do ảnh hưởng đến vấn đề biến đổi khí hậu, trang mạng tờ New York Times cho biết hơn 40 quốc gia đã cam kết sẽ ngừng sử dụng than đá để sản xuất điện năng theo từng giai đoạn phù hợp với đặc thù của từng quốc gia. Chủ tịch Hội nghị COP26 Alok Sharma đã nhận định rằng "sẽ sớm đạt được việc chấm dứt sử dụng than đá."
Thế nhưng, New York Time cũng ghi nhận rằng những nước sử dụng than đá nhiều nhất trên thế giới lại không tham gia cam kết này, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Australia và Mỹ. Trung Quốc và Ấn Độ có mức tiêu thụ lượng than đá tổng cộng chiếm gần 2/3 lượng than đá toàn cầu. Australia là nước sử dụng than đá lớn thứ 11 trên thế giới và cũng là nhà xuất khẩu than đá chủ đạo. Trong khi đó, Mỹ cũng không ký kết cam kết mặc dù nước này sử dụng than đá để sản xuất 1/5 tổng sản lượng điện năng tiêu thụ trong nước.
Theo báo trên, quyết định này của Mỹ dường như là do sức ép chính trị nội bộ mà Tổng thống Biden đang phải đối mặt. Hiện tại, chương trình nghị sự trong nước của Biden vẫn chưa thể thông suốt do vấp phải sự chia rẽ giữa hai đảng đồng thời phải phụ thuộc vào sự hậu thuẫn của Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ đại diện bang West Virginia, ông Joe Manchin III.
Trong khi đó, bang West Virginia lại giàu nguồn tài nguyên than đá và khí đốt. Bản thân ông Manchin lại có mối quan hệ tài chính với ngành than đá và ông đã lên tiếng phản đối gay gắt bất kỳ chính sách nào liên quan đến việc cắt giảm khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Hai quan chức chính quyền Mỹ tham dự sự kiện tại Glasgow tiết lộ với New York Time rằng giới chức Mỹ lo ngại rằng việc ký kết cam kết cắt giảm than đá nói trên sẽ có thể chọc giận thượng nghị sỹ Manchin. Mặc dù vậy, New York Time ghi nhận rằng việc sử dụng than đá ở Mỹ đang suy giảm nhanh chóng và nước này đang thay thế than đá bằng những loại nhiên liệu thân thiện mới môi trường hơn như sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió và khí gas để sản xuất điện năng.
Một số nhóm hoạt động môi trường vẫn tỏ ra thận trọng khi cam kết về cắt giảm sử dụng than đá nói trên vẫn mập mờ và mơ hồ về những chi tiết quan trọng như thời điểm cụ thể các nước sẽ chấm dứt việc sử dụng than đá.
Bà Jennifer Morgan, Giám đốc điều hành của tổ chức phi chính phủ hoạt động về bảo vệ môi trường Greenpeace International, bình luận sự mập mờ đó chính là "lỗ hổng." Bà nói một cách đầy hình ảnh: "Có thêm một cái đinh để đóng vào nắp 'quan tài than đá,' song mới chỉ có một cái đinh và quan tài thì vẫn chưa được đóng lại"./.