Khai thác cát trái phép là một vấn đề không mới. Người dân coi hoạt động khai thác cát trái phép là “cát tặc” để nói về một vấn nạn, một tình trạng mất kiểm soát của các cơ quan có trách nhiệm trong việc quản lý tài nguyên cát.
Nói đến “cát tặc” là nói đến một “thế lực” đang hoành hành trên khắp mọi miền đất nước, gây ra biết bao hệ lụy cho con người và thiên nhiên; làm mất tài nguyên, thất thu ngân sách, còn lợi nhuận đổ vào túi những kẻ vi phạm pháp luật.
Khai thác cát trái phép là câu chuyện đã quá quen, quá cũ nhưng luôn nóng và mang tính thời sự. Bởi “cát tặc” chỉ nhằm mục đích là thu lợi bất chính mà quên "tội tàn phá môi trường," làm cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng phải hứng chịu hậu quả không thể lường trước, trong khi các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương lại dường như bất lực.
Theo dõi tình trạng khai thác cát trên mọi miền đất nước, ở đâu cũng thấy sự bức xúc của người dân. Trên đầu nguồn sông Mã, tỉnh Sơn La, khai thác cát diễn ra công khai, rầm rộ như những đại công trường. Trên dòng sông nhỏ hẹp đầu nguồn đã tạo thành các hố sâu nước xoáy vào bờ gây sụt lở, tạo nên hiểm họa cho cư dân ven sông bất kể mùa mưa hay mùa khô. Dân phản ánh và phản đối, chính quyền biết vậy nhưng đã không thể ngăn cản “cát tặc” mà còn thu thuế khai thác tài nguyên, chẳng khác gì hợp thức hóa cho hoạt động khai thác cát trái phép.
Trên hệ thống sông Hồng, từ thượng nguồn đến hạ du, đâu đâu cũng có các bãi cát ngang nhiên khai thác năm này qua năm khác bằng các tàu hút đồ sộ, bất luận dân phản đối, cơ quan chức năng vào cuộc. Hậu quả là không chỉ những khu dân cư trôi theo dòng nước mà nhiều khúc đê cũng bị xói lở vào tận chân đê, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thống đê điều.
Trên sông Tiền, sông Hậu của Đồng bằng sông Cửu Long, biết bao năm nay dân kêu ca, phản ánh, khiếu nại những tàu hút cát sục vào bờ làm trôi mất những khu dân cư và ruộng vườn; gây ra tình trạng xói lở triền miên và ngày càng nghiêm trọng, đe dọa cuộc sống của người dân trên các triền sông.
Tại vùng biển Thành phố Hồ Chí Minh và Vũng Tàu, hàng chục tàu hút cát biển đem về “rửa” qua nước ngọt để trộn với cát sông làm cát xây dựng công trình. Một nhà thầu xây dựng nói rằng, loại cát pha trộn này độ mặn vẫn vượt quá mức cho phép, không bảo đảm chất lượng công trình, đặc biệt là các công trình bêtông cốt thép. “Cát tặc” cũng đã vươn vòi đến vùng rừng của Bình Thuận, tới lòng hồ thủy điện Cát Bà. Các cánh rừng sẽ bị phá, sự an toàn của công trình thủy điện sẽ bị ảnh hưởng.
“Cát tặc” diễn ra ngày càng quy mô hơn và hậu quả gây ra là tàn phá môi trường rộng lớn hơn; theo đó, mức độ tận thu khoáng sản trên sông, biển, hồ, rừng ngày càng lớn; ảnh hưởng không chỉ tới cuộc sống trước mắt của người dân mà để lại di họa cho tương lai.
Vì vậy, đã đến lúc ngành tài nguyên môi trường và chính quyền các cấp phải có biện pháp để lập lại kỷ cương, phép nước, triệt để xử lý vấn nạn “cát tặc.”
Trước hết cần phải có quy hoạch chiến lược về tài nguyên cát để có kế hoạch khai thác, bảo đảm an toàn cho môi trường, không ảnh hưởng đến các công trình xây dựng; đặc biệt là không tác động xấu đến cuộc sống người dân.
Thực tế cho thấy trong những năm gần đây, lũ trên các hệ thống sông ở nước ta đã giảm do xây dựng các hồ thủy điện ở thượng nguồn. Không có lũ thì không có nguồn cát bổ sung, do vậy việc khai thác cát trên các dòng sông ngày càng phải đào sâu xuống lòng sông làm nguồn cát ngày càng cạn kiệt.
Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ cát của Việt Nam khoảng 200 triệu tấn/năm, nhưng hiện nay mới khai thác được 100 triệu tấn/năm. Như vậy nhu cầu cát sẽ ngày càng tăng; nếu không có quy hoạch chiến lược về tài nguyên cát và kế hoạch khai thác khoa học, bài bản thì tình trạng “cát tặc” sẽ diễn ra ngày càng gay gắt hơn.
Điều đó sẽ gây hưởng tiêu cực đến hệ thống đê điều, hồ đập, rừng, biển cũng như đời sống của cư dân tại vùng “cát tặc” hoành hành; không chỉ thất thoát tài nguyên mà còn làm loạn kỷ cương, phép nước./.