Câu chuyện cảm động về cô giáo K’Ho hiến đất xây trường học

Khi biết chính quyền địa phương đang loay hoay tìm chỗ xây trường mới thay thế trường học tạm, cô Rơ Ông K’Thủy không ngần ngại hiến tặng mảnh vườn mà gia đình chắt chiu mua được.
Câu chuyện cảm động về cô giáo K’Ho hiến đất xây trường học ảnh 1Cô giáo K'Thủy dành tâm huyết truyền dạy cái chữ cho các em học sinh vùng sâu. (Nguồn: lamdong.gov.vn)

Khi biết chính quyền địa phương đang loay hoay tìm chỗ xây trường mới thay thế trường học tạm, cô Rơ Ông K’Thủy không ngần ngại hiến tặng mảnh vườn mà gia đình chắt chiu mua được. Từ ấy, ngôi trường Tiểu học Păng Tiêng đã lên hình hài, phục vụ công tác giảng dạy cho con em dân tộc K’Ho trên vùng đất này.

Hiến đất xây trường

Trường Tiểu học Păng Tiêng nằm tận cuối địa phận của xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Từ trung tâm thành phố Đà Lạt nay đã có một tuyến đường nhựa vắt ngang qua những đồi càphê, dẫn vào tận cổng trường.

Trên ngọn đồi ở đầu thôn Păng Tiêng, ngôi trường cùng tên được xây dựng khang trang với ba dãy nhà kiên cố, vững chãi. Ít ai biết, trước đây ngọn đồi ấy là mảnh đất mưu sinh của gia đình K’Thủy - một giáo viên của núi rừng cao nguyên LangBiang huyền thoại.

Rơ Ông K’Thủy sinh ra và lớn lên ở Păng Tiêng. Sớm mồ côi cha, K’Thủy cùng mẹ sớm tối làm rẫy, vất vả mưu sinh. Năm 1993, cô tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt rồi hăng hái về nhận nhiệm vụ ở mảnh đất quê hương.

Thời điểm ấy, trường học chỉ dựng tạm bợ bằng ván gỗ. Phòng học thiếu thốn, rách nát, các giáo viên phải thay nhau đứng lớp. Những chiều mưa Tây Nguyên, nước dâng ngập sân trường, ùa vào phòng học tạm. Học sinh lẫn giáo viên bì bõm lội nước, cùng nhau đánh vần ê a hay tính nhẩm phép toán đầu đời trong căn phòng ngập nước. Cô trò trường Păng Tiêng cứ dạy và học trong hoàn cảnh như thế hơn 10 năm trời.

Đến một ngày giữa năm 2005, vừa đi làm về, vợ chồng cô K’Thủy nghe thông tin cán bộ xã và ban giám hiệu nhà trường đang tìm vị trí xây dựng trường học mới bởi trường học tạm buộc phải di dời để thi công dự án thủy điện. Cuộc tìm kiếm có kết quả. Ngọn đồi của gia đình cô giáo K’Thủy được chọn vì có vị trí đắc địa nhất.

Biết tin, K’Thủy đã “ưng cái bụng” ngay dù khi ấy ngọn đồi rộng hơn 3.000m2 này đang trồng càphê và cây hồng vẫn đem lại một nguồn thu nhập cho gia đình.

“Nếu có một ngôi trường khang trang ở đây, con em trong buôn đi học rất gần và các em sẽ chăm chỉ đến lớp hơn, không còn bỏ học giữa chừng vì ngại khó, ngại khổ nữa,” cô K’Thủy nghĩ thầm trong bụng.

Nghĩ vậy và quyết định. Tối về cô thuyết phục chồng. Hiểu được tâm tư của người vợ giáo viên, chồng cô nhanh chóng đồng ý.

Câu chuyện cảm động về cô giáo K’Ho hiến đất xây trường học ảnh 2Khu đồi trồng hồng ăn trái của gia đình cô K'Thủy nay là trường tiểu học Păng Tiêng. (Nguồn: lamdong.gov.vn)

Việc xây dựng trường mới lập tức được triển khai. Đến năm 2008, những dãy phòng học đầu tiên đã hình thành với trang thiết bị khá đầy đủ, phục vụ công tác dạy và học cho khối học sinh cấp 1, cấp 2.

Đến năm 2011, trường tách riêng thành trường Tiểu học Păng Tiêng và tiếp tục sự nghiệp gieo con chữ cho những mầm non của con em đồng bào K’Ho nơi đây. Không giấu nổi niềm vui, em Đa Cát K’Hiến, học sinh lớp 3, Trưởng tiểu học Păng Tiêng, thủ thỉ: “Được đến lớp học chữ cùng các bạn em vui lắm. Em thích học lớp của cô K’Thủy vì cô rất hiền, hai năm học lớp 1 và lớp 2 em đều được học sinh giỏi.”

Hết mình vì sự nghiệp trồng người

Từ khi có trường mới, bà con trong buôn làng đã ý thức hơn tới việc cho con em đến lớp học chữ, học văn hóa. Hiện nay toàn trường có 101 học sinh ở tám lớp từ lớp 1 đến lớp 5.

Dù chưa hết khó khăn, thiếu thốn, nhưng trường Păng Tiêng luôn tự hào vì thành tích 100% học sinh lên lớp thẳng, duy trì sĩ số hàng năm đạt 100%... Thành quả ấy có sự chung tay góp sức của đội ngũ cán bộ, giáo viên trong trường, trong đó cô giáo Rơ Ông K’Thủy cũng góp phần không nhỏ.

Là người con của buôn làng Păng Tiêng, thấu hiểu những khó khăn, suy nghĩ của phụ huynh cũng như học sinh, cô luôn suy nghĩ theo cái bụng của người dân trong buôn làng mình, của từng cha, mẹ học sinh, từ đó Rơ Ông K’Thủy nói cho mọi người biết nên không có em học sinh nào bỏ học.

Ở trường Păng Tiêng, nhiều đồng nghiệp vẫn nhắc mãi câu chuyện về một học sinh mà cô K’Thủy tận tình vận động, giúp đỡ cho em đến lớp. Học sinh này ngay cả bản thân cô cũng không còn nhớ tên, bởi những trường hợp như thế nhiều lắm.

“Hoàn cảnh gia đình em ấy tội nghiệp, bố mẹ bỏ bê không chăm lo cho em đi học như bạn bè cùng trang lứa. Tôi cũng mồ côi cha từ nhỏ, không được quan tâm đầy đủ nên thấy thương, đến nhà vận động, mua giúp em ấy đôi dép, cây viết hay tập vở để em tự tin đến trường. Giờ em ấy đã lớn khôn và trưởng thành, tôi mừng lắm,” cô K’Thủy bộc bạch.

Cô Bùi Thị Minh, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Păng Tiêng, nhận xét: “Về công tác chuyên môn, cô K’Thủy luôn có tinh thần học hỏi, bồi dưỡng và nâng cao để phục vụ công tác giảng dạy. Đối với đồng nghiệp cô cũng luôn quan tâm và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nên mọi người đều quý mến. Trong những năm qua, cô K’Thủy là tấm gương điển hình của trường và nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của ngành giáo dục và lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, xứng đáng để các giáo viên trẻ noi theo.”

Năm nay đã hết 40 mùa hoa ở vùng núi rừng LangBiang nở, cô giáo Rơ Ông K’Thủy vẫn luôn nhiệt huyết với nghề giáo, với sự nghiệp trồng người như những đồng nghiệp trẻ. Cô quan niệm, được nhìn thấy các em học sinh thân yêu đến trường, ríu rít như bầy chim non, học trong ngôi trường khang trang như hiện nay là niềm hạnh phúc vô bờ, cũng là động lực để cô giáo người dân tộc K’Ho này tiếp tục cống hiến./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục