Câu chuyện Hàn Quốc: “Sống ảo” nhưng tạo ra giá trị thật

Người Hàn Quốc bắt smartphone phải phục vụ tối đa cho nhu cầu của mình, thay vì cách nói con người là nô lệ của chiếc điện thoại như định kiến bấy lâu nay.
Câu chuyện Hàn Quốc: “Sống ảo” nhưng tạo ra giá trị thật ảnh 1Các em học sinh Hàn Quốc say mê với chiếc kính VR tại GMV 2016 (Nguồn: Vietnam+)

Người ta vẫn sử dụng từ “sống ảo” để chỉ những người suốt ngày cắm mặt vào chiếc điện thoại.

Với một đất nước có tới 83% dân số sở hữu ít nhất một chiếc điện thoại thông minh như Hàn Quốc (số liệu của công ty khảo sát Digieco), nếu chưa đặt chân tới xứ sở kim chi, có thể bạn cũng nghĩ rằng người dân nước này thuộc hàng “sống ảo” nhất thế giới.

Nhưng bạn đã lầm. Bởi trên thực tế, người Hàn Quốc bắt smartphone phải phục vụ tối đa cho nhu cầu của mình, thay vì cách nói con người là nô lệ của chiếc điện thoại như định kiến bấy lâu nay.

Theo Digieco, Hàn Quốc là nước có tỷ lệ người sử dụng smartphone cao thứ 4 thế giới. Và nếu một khi người Hàn đã bắt cả thế giới phải chạy theo vòng quay của những chiếc điện thoại Samsung hay LG (bất chấp cuộc khủng hoảng Galaxy Note 7), thì đương nhiên là họ tiếp tục khiến mọi người phải nhiệt tình tải các ứng dụng “ăn theo” xuống chiếc smartphone của mình.

Ở Hàn Quốc, có tới hàng triệu người hoạt động trong ngành di động, và bất cứ một ngõ ngách nào của cuộc sống thì chiếc smartphone cũng chen chân vào như một thành phần không thể thiếu. Hay nói cách khác, bất cứ một lĩnh vực nào cũng được “di động hóa” bằng các ứng dụng trên chiếc điện thoại cầm tay. Từ người lái taxi, bà nội trợ cho đến những em học sinh đều thao tác thành thục các ứng dụng trên điện thoại.

Các hoạt động thường ngày như mua hàng, đồ ăn, dò đường, tìm điểm đỗ xe, đặt vé xe bus, vé tàu điện ngầm, bắt taxi… cho đến những việc nhỏ như chăm sóc thú cưng hay tắt công tắc nếu lỡ ra khỏi nhà mà quên tắt thiết bị điện cũng dễ dàng được thực hiện qua chiếc smartphone. 

Câu chuyện Hàn Quốc: “Sống ảo” nhưng tạo ra giá trị thật ảnh 2Việc hoàn thuế cho du khách được tự động hóa tại sân bay Incheon (Nguồn: Vietnam+)

Một ví dụ đơn giản, đa phần người lái taxi ở Hàn Quốc không biết tiếng Anh, nhưng họ thành thạo trong việc sử dụng GPS để xác định đường đi, tránh những khu vực ùn tắc giao thông. Mọi thông số về giá tiền, quãng đường, thời gian ước lượng cho cuộc hành trình đều được hiển thị rõ ràng ở màn hình trước mặt khách hàng. Tiện lợi và hết sức minh bạch.

Chỉ cần bấm, và chạm. Có thể nói không ngoa rằng nền kinh tế lớn thứ tư châu Á được vận hành thông qua những động tác gọn nhẹ và đơn giản như thế, thay vì những thủ tục hành chính lằng nhằng. Hàn Quốc đang sử dụng mạng di động 4G và sẽ tiến lên 5G (nhanh hơn gấp 1000 lần) vào năm 2018.

Nghĩa là người Hàn Quốc khai thác tối đa công dụng của chiếc điện thoại, chứ không phải chỉ để gọi điện, nhắn tin, nghe nhạc, chụp ảnh hoặc chơi game như nhu cầu tối thiểu của đa số người dân ở nhiều quốc gia khác.

Anh Phạm Ngọc Sơn, kỹ sư người Việt đang làm việc tại công ty FORCS (chuyên cung cấp e-form) của Hàn Quốc nhận xét, sở dĩ nền tảng công nghệ thông tin ở nước này tốt đến vậy là nhờ vào sự hỗ trợ tối đa từ chính phủ, như tài trợ cho các sáng kiến khởi nghiệp, hỗ trợ cả phần cứng lẫn phần mềm cho R&D (nghiên cứu và phát triển). Và một điều không kém phần quan trọng khác là sự ủng hộ của người dân cho các sản phẩm nội địa.

Câu chuyện Hàn Quốc: “Sống ảo” nhưng tạo ra giá trị thật ảnh 3Các start-up hướng về công nghệ robotics, smartcar, energy... sẽ được chính phủ Hàn Quốc ưu tiên đầu tư (Nguồn: Vietnam+)

Từ nền tảng ấy mà phong trào start-up ở Hàn Quốc diễn ra vô cùng sôi động, thậm chí đã được đặt lên hàng quốc sách.

Cuối năm ngoái, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã có bài phát biểu quan trọng, đại ý đất nước cần phải tập trung vào công nghệ của thế hệ mới, như một nền tảng của “nền kinh tế sáng tạo” mà bà phát động.

Từ đó, Bộ Khoa học, Công nghệ và Hoạch định tương lai nước này đã thiết kế một chương trình hỗ trợ lớn chưa từng có cho các công ty khởi nghiệp vừa và nhỏ, với mục tiêu SME (doanh nghiệp vừa và nhỏ, bao gồm cả công ty khởi nghiệp) sẽ chiếm 70% tỷ trọng việc làm của Hàn Quốc.

Cụ thể, chính phủ Hàn Quốc sẽ chi 80 nghìn tỷ won (tương đương 66 tỷ USD) để xây dựng các trung tâm Kinh tế Sáng tạo (CCEI) trên khắp cả nước, tập trung nhất ở Pangyo, phía Nam Seoul, nơi có đại bản doanh của các start-up nổi tiếng nhất như Kakao, Nexon và được coi là thung lũng sillicon của nước này.

Các CCEI được chính phủ tài trợ trực tiếp, hoặc sẽ do các ông lớn như Samsung, LG hay Hyundai chống lưng, hỗ trợ cho cả các công ty start-up nước ngoài tới Hàn Quốc khởi nghiệp.

Theo số liệu do Bộ Khoa học Công nghệ và Hoạch định tương lai Hàn Quốc công bố, các hãng điện thoại nước này chiếm đến hơn 80% thị phần smarphone trong nước, trong đó Samsung dẫn đầu với 63,4%, kế đến là LG (20,9%). Gã khổng lồ Apple với siêu phẩm iPhone chỉ chiếm 13,1%. Ngay tại chính quê hương của Apple là nước Mỹ, theo DigitalTrend, Samsung cũng dẫn đầu thị phần với 28,8%, còn Apple chiếm 23%. Đi kèm theo chiếc điện thoại là những ứng dụng, phụ kiện ăn theo, trong đó hệ sinh thái Samsung Apps cũng chiếm thị phần đáng kể. Nhiều ứng dụng trong số này do các công ty khởi nghiệp nhỏ của Hàn Quốc phát triển.

Triển lãm Tầm nhìn Di động toàn cầu (Global Mobile Vision – GMV 2016) do KOTRA chủ trì và được Bộ Khoa học Công nghệ bảo trợ cũng nhằm mục đích đó, giúp các công ty khởi nghiệp Hàn Quốc giới thiệu các công nghệ, sản phẩm và giải pháp sáng tạo của mình ra thế giới.

Có mặt tại triển lãm theo lời mời của AVING News, đối tác truyền thông chính thức của GMV 2016, phóng viên VietnamPlus đã có cơ hội tiếp cận những công nghệ ấy. Nhưng điều ấn tượng nhất không chỉ đến từ những ứng dụng vô cùng thiết thực cho cuộc sống, mà là hình ảnh hàng trăm em học sinh đến dự triển lãm một cách say mê.

Có thể một số em đến để tìm ứng dụng game mới, bởi Hàn Quốc cũng được coi là “cường quốc trò chơi điện tử,” với nhiều game thủ được hâm mộ chẳng kém gì những ngôi sao K-Pop.

Nhưng điều đó không quan trọng. Bởi sự góp mặt của những cô cậu học sinh vẫn còn nguyên chiếc áo đồng phục từ trường về, chạy thẳng đến GMV 2016 đã chứng tỏ cảm hứng start-up sáng tạo sẽ được truyền đến thế hệ trẻ, như các đợt sóng nối tiếp nhau.

Câu chuyện Hàn Quốc: “Sống ảo” nhưng tạo ra giá trị thật ảnh 4Các học sinh từ trường học đi thẳng tới GMV và say mê với những sáng tạo mới của các công ty khởi nghiệp (Nguồn: Vietnam+)

Như thế, “hallyu” – “làn sóng Hàn Quốc” sẽ không chỉ được dùng để ám chỉ văn hóa Hàn, mà còn cả nền công nghệ nước này, mà sự cố Galaxy Note 7 dù có lớn cỡ nào cũng không thể xóa hết thành quả của cả cộng đồng IT.

Có thể, một bộ phận người Hàn Quốc đang sống ảo, nhưng là nhằm tạo ra của cải thật, chứ không phải là những chiếc bánh vẽ./.

Một trong những hoạt động bên lề lớn nhất của GMV 2016 là hội thảo Creative Startup Korea – CSK (Khởi nghiệp sáng tạo Hàn Quốc). Đây là năm thứ 2 liên tiếp hội nghị này được tổ chức với sự tham dự của hơn 100 công ty khởi nghiệp hàng đầu với nhiều chương trình đa dạng về thông tin, bao gồm buổi gặp mặt với các nhà đầu tư nước ngoài do Văn phòng xúc tiến thương mại đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) chủ trì, cùng các diễn đàn đẩy mạnh quan hệ quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm của các nhà sáng lập.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục