Tháng 11/1990, tạp chí LIFE đã cho đăng một bức ảnh chụp một thanh niên mang tên David Kirby - cơ thể tàn tạ vì AIDS, ánh mắt chăm chú nhìn một thứ gì đó vượt ra ngoài thế giới này - xung quanh là những thành viên trong gia đình anh, những gương mặt đau khổ khi anh trút hơi thở cuối cùng.
Bức hình đầy ám ảnh của Kirby trên giường bệnh, do một sinh viên trường báo tên Therese Frare chụp, đã nhanh chóng trở thành bức ảnh duy nhất và có sức ảnh hưởng lớn nhất về HIV/AIDS - một đại dịch mà vào thời điểm đó trên toàn cầu đã có nhiều triệu người mắc phải (rất nhiều người thậm chí không hề hay biết).
Giờ đây, một phần tư thập kỷ sau, LIFE.com đã chia sẻ câu chuyện đầy cảm động đằng sau bức ảnh này, cùng với những ký ức của chính Frare về những ngày tháng đầy đau đớn đã làm thay đổi cuộc đời chị.
“Tôi bắt đầu học cao học tại Đại học Ohio ở Athens vào tháng 1/1990,” Frare chia sẻ với LIFE.com. “Ngay khi đó, tôi bắt đầu công việc tình nguyện tại Pater Noster House, một nhà tế bần dành cho người nhiễm AIDS ở Columbus. Tháng Ba, tôi bắt đầu chụp những bức ảnh ở đó và được làm quen với nhiều nhân viên, trong đó có một tình nguyện viên tên là Peta, người đã chăm sóc cho David và các bệnh nhân khác.”
David Kirby sinh ra và lớn lên tại một thị trấn nhỏ ở Ohio. Là một người đồng tính, một nhà hoạt động trong những năm 1980. Vào cuối những năm 1980, khi Kirby đang sống ở California và bị gia đình xa lánh, anh nhận tin mình đã nhiễm HIV.
Kirby đã liên lạc với cha mẹ và hỏi họ rằng liệu anh có thể trở về nhà hay không. Anh nói rằng mình muốn được chết trong vòng tay của gia đình. Nghe thấy vậy, nhà Kirby đã đồng ý đón nhận anh..
Về phần mình, Peta là một nhân vật phi thường (và đôi khi khó chiều). Peta, tên khai sinh là Patrick Church, là “một người nửa bản địa, nửa da trắng,” Frare cho biết, “anh ấy là một điều dưỡng viên và cũng là một bệnh nhân ở Pater Noster, một cá nhân đứng giữa những ranh giới về giới tính và là một trong những người tuyệt vời nhất mà tôi từng gặp.”
Hiện đang sống và làm việc tại Seattle, Frare trả lời phỏng vấn cho tạp chí LIFE: “Hôm David qua đời, tôi đã tới thăm Peta. Một số nhân viên đã tới gọi Peta để anh ấy có thể ở cạnh David và anh ấy đã đưa tôi đi cùng.
Tôi ở ngoài phòng bệnh của David và không để ý tới những gì diễn ra trong phòng. Đó là khi mẹ của David bước ra và nói với tôi rằng gia đình họ muốn tôi chụp một bức ảnh khi mọi người đang nói lời tiễn biệt cuối cùng.
Tôi bước vào và lặng lẽ đứng trong góc phòng, hầu như không di chuyển, chỉ ngắm nhìn và chụp ảnh. Sau đó, tôi đã biết, một cách hoàn toàn chắc chắn, rằng một điều gì đó thực sự đáng kinh ngạc đã diễn ra trong căn phòng đó, ngay trước mắt tôi.”
Frare chia sẻ về quãng thời gian chị ở Pater Noster House: “Ngay từ đầu, tôi đã hỏi David liệu anh ấy có phiền không khi tôi chụp ảnh và anh ấy trả lời rằng ‘Không sao cả, miễn là không vì lợi nhuận cá nhân.’
[LHQ kêu gọi tăng cường phát hiện bệnh AIDS và chấm dứt kỳ thị]
Cho đến ngày hôm nay, tôi vẫn không nhận một đồng tiền nào cho bức ảnh đó. Nhưng David là một nhà hoạt động và anh ấy muốn cho thế giới biết về sự tàn phá của AIDS đối với gia đình và cộng đồng. Thành thật mà nói, tôi nghĩ anh ấy cảm nhận được tầm quan trọng mà những bức ảnh này có thể mang lại.” Frare dừng lại và cười. “Khi đó, tôi nghĩ: Dù sao thì ai sẽ xem những bức ảnh này cơ chứ?”
Trong hơn 20 năm qua, theo một số ước tính, đã có tới 1 tỷ người đã xem bức ảnh của Frare. Nó từng xuất hiện trên tạp chí LIFE và giờ đây đã trở thành một biểu tượng, khi được đăng lại nhiều lần trên hàng trăm tờ báo, tạp chí và chương trình TV trên toàn thế giới.
Bức ảnh cũng giành được nhiều giải thưởng, gồm giải World Press Photo. Nhưng nó chỉ trở nên cực kỳ nổi tiếng 2 năm sau đó, khi hãng Benetton tô màu bức ảnh đen trắng của Frare và sử dụng nó trong một chiến dịch quảng cáo gây kích động.
Nhiều cá nhân và tổ chức, bao gồm những người Công giáo, đã cảm thấy bị xúc phạm khi Benetton có ý liên hệ những gì diễn ra trong bức ảnh với thánh tích Đức mẹ Mary ôm Chúa Jesus, sau khi ông bị đóng đinh câu rút. Quỹ Terrence Higgins, một tổ chức từ thiện về AIDS rất có danh tiếng ở Anh, đã kêu gọi cấm bức ảnh quảng cáo này, cho rằng nó gây xúc phạm và phi đạo đức. Các tạp chí thời gian có tên tuổi như Elle, Vogue và Marie Claire đều từ chối đăng ảnh của Benetton.
Tuy nhiên gia đình Kirby lại không hề lên án Benetton. “Chúng tôi chưa bao giờ do dự khi cho phép Benetton sử dụng bức ảnh mà Frare đã chụp trong quảng cáo đó,” mẹ của David Kirby, bà Kay, chia sẻ với LIFE.com. “Tôi chỉ phản đối khi người ta áp đặt suy nghĩ riêng của mình lên bức ảnh, rằng nó có nội dung báng bổ, khi mà họ chẳng biết gì về câu chuyện của chúng tôi và David.
Thời điểm ấy, con trai tôi gần như đã chết vì cái đói,” bà nói một cách thẳng thắn, mô tả một trong những tác dụng phụ ghê gớm của AIDS. “Chúng tôi nhận thấy rằng đã đến lúc để người ta phải nhìn thẳng vào căn bệnh AIDS, và nếu Benetton có thể giúp ích cho nỗ lực này thì họ hoàn toàn có thể sử dụng bức ảnh.
Chiến dịch quảng cáo của Benetton là cơ hội cuối cùng để dư luận có thể nhìn thấy David. Đó là dấu mốc cho thấy con trai tôi đã từng tồn tại trên thế giới này, giữa chúng ta.”
David Kirby qua đời vào tháng 4/1990 ở tuổi 32, không lâu sau khi Frare bắt đầu chụp ảnh ở nhà tế bần. Điều bất ngờ là chị đã dành nhiều thời gian không kém để chụp Peta, người khi ấy cũng đã có kết quả dương tính với HIV. Frare có được danh tiếng nhờ ảnh chụp Kirby, nhưng một loạt tấm ảnh chị chụp sau thời điểm này còn thú vị hơn.
Cụ thể, Frare đã chụp ảnh Peta trong khoảng thời gian 2 năm, cho tới khi Peta cũng chết vì AIDS vào mùa thu năm 1992. “Peta là một người phi thường,” Frare nói. Hai mươi năm sau, tình cảm trong giọng nói của chị vẫn rất sâu đậm. “Anh ấy mang nửa dòng máu thổ dân, nửa dòng máu da trắng. Anh ấy vừa là điều dưỡng vừa là bệnh nhân ở Pater Noster. Anh ấy là người đứng giữa những ranh giới về giới tính. Và anh ấy là người rất mạnh mẽ.”
Khi sức khỏe của Peta xấu đi vào đầu năm 1992 - thời điểm căn bệnh của anh đã chuyển sang giai đoạn AIDS - nhà Kirby bắt đầu chăm sóc cho anh, như cách anh đã chăm sóc cho con trai họ vào những tháng cuối đời.
Peta từng an ủi David, nói chuyện với anh, ôm lấy anh, tìm cách làm giảm bớt nỗi đau đớn và cô đơn của anh thông qua các tiếp xúc đơn giản, giữa con người với con người. Nhà Kirby đã quyết tâm làm điều tương tự cho Peta. Họ có mặt bên Peta khi sức khỏe và sự sống của anh dần cạn kiệt.
“Chồng tôi và tôi đã cảm thấy đau đớn trước cách thức người ta đối xử với David ở một bệnh viện địa phương nhỏ gần nhà chúng tôi, nơi con tôi đã ở khi trở về từ Ohio,” Kay Kirby nói. “Ngay cả người phát thực đơn cũng không cho phép David cầm lấy thực đơn (vì sợ lây nhiễm bệnh). Cô ấy đứng ở xa ngoài cửa và đọc to tên các món ăn cho con tôi nghe. Khi chứng kiến, chúng tôi tự nhủ rằng sẽ giúp những người bị bệnh AIDS khác tránh khỏi tất cả những nỗi khổ sở này. Chúng tôi cũng cố để đảm bảo Peta không bao giờ phải trải qua điều đó.”
Frare chia sẻ thêm: “Tôi đã dành khoảng 12 năm làm việc cho các tờ báo khi đi học cao học. Tôi rất quan tâm tới việc đưa tin về AIDS khi vào trường Columbus. Đương nhiên, thời ấy rất khó có thể tìm thấy một cộng đồng người nhiễm HIV và AIDS sẵn sàng đồng ý cho tôi chụp ảnh. Nhưng khi được cho phép chụp ảnh ở Pater Noster, tôi đã biết mình đang làm một điều gì đó quan trọng - chí ít là quan trọng đối với bản thân tôi.
Tôi chưa bao giờ tin rằng điều đó sẽ dẫn tới việc ảnh của mình được đăng trên tạp chí LIFE, hay giành được những giải thưởng, hay liên quan tới bất kỳ điều gì gây tranh cãi - chắc chắn không phải là một điều gì đó kéo dài như vụ Benetton. Rốt cục thì ảnh của David lại trở thành bức ảnh duy nhất được cả thế giới biết đến. Nhưng còn rất nhiều điều nữa mà tôi đã cố gắng ghi lại cùng với Peta, gia đình nhà Kirby và những người khác ở Pater Noster. Nhưng tất cả những điều đó đã bị đánh mất, bị quên lãng.”
Mặc dù tới nay thế giới đã không còn xa lạ với HIV và AIDS, bức ảnh của Frare vẫn là một bước tiến lớn hướng tới việc xua tan nỗi sợ căn bệnh ở mức độ nào đó. Barb Cordle, Giám đốc tình nguyện tại Pater Noster khi David Kirby còn ở tại đây, từng nói rằng bức ảnh nổi tiếng của Frare “đã làm được nhiều điều để đánh động tới trái tim của mọi người về AIDS hơn bất cứ điều gì khác tôi từng chứng kiến."
"Người ta không thể nhìn vào bức ảnh đó và căm ghét một người nhiễm AIDS. Người ta đơn giản là không thể căm ghét nổi”, ông nói./.