Theo báo cáo của các địa phương, hiện cả nước có 209.000 người ‘có H’ còn sống, tuy nhiên chỉ quản lý được 175.000 người, trong đó mới đang điều trị bằng huốc kháng HIV (thuốc ARV) cho 130.000 người.
Như vậy, vẫn còn 45.000 người nhiễm đang quản lý được mà chưa tiếp cận với điều trị ARV. Đây là nỗi lo lắng của xã hội bởi nếu lượng người này không kiểm soát được virus sẽ lây lan HIV ra cộng đồng qua các hành vi tình dục hoặc tiêm chích không an toàn.
[Truyền tải thông điệp Không phát hiện = Không lây truyền tới cộng đồng]
Đặc biệt, những thống kê của ngành y tế cho thấy hiện nay đang gia tăng số người sử dụng ma túy tổng hợp và tỷ lệ nhiễm HIV tăng, cảnh báo nguy cơ đợt dịch mới xuất hiện trong nhóm trẻ.
Khó kiểm soát
Theo đánh giá từ Bộ Y tế, hiện nay trong các nguyên nhân lây truyền bệnh HIV thì nguy cơ lây truyền HIV, lây truyền qua đường tình dục ngày càng chiếm tỷ lệ chính trong lây nhiễm HIV.
Trong 6 tháng đầu năm, cả nước phát hiện mới 3.500 người nhiễm HIV, chuyển sang giai đoạn AIDS 1.824 người, số người nhiễm HIV tử vong là 814 người.
So sánh số liệu nhiễm HIV/AIDS, tử vong báo cáo cùng kỳ năm 2017, số trường hợp nhiễm HIV phát hiện mới giảm 30%, số bệnh nhân AIDS giảm 27% và người nhiễm HIV tử vong tăng 2%.
Tiến sỹ Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) phân tích, nhìn chung, số liệu dịch HIV phát hiện năm 2018 có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, số liệu phát hiện tùy thuộc vào khả năng triển khai công tác tư vấn xét nghiệm.
Theo ông Cảnh, những năm qua Việt Nam đã có nhiều kết quả trong công tác phòng chống bệnh HIV/AIDS. Tuy nhiên, trước mắt còn nhiều khó khăn thách thức.
Nguyên nhân là do HIV vẫn là một trong những dịch có độ lây lan rộng và có số mắc tử vong cao. Hơn 200.000 có HIV được phát hiện và mỗi năm có khoảng 10.000 trường hợp nhiễm mới, có khoảng 2.000 bệnh nhân tử vong.
Đáng lưu ý, vẫn còn khoảng 40.000-50.000 người nhiễm HIV trong cộng đồng hiện nay vẫn chưa được phát hiện bệnh. Trong khi đó, có sự gia tăng phức tạp của nhóm sử dụng ma túy, ma túy tổng hợp, mại dâm làm tình hình dịch khó kiểm soát.
Bên cạnh đó, việc thiếu hụt nguồn lực cho công tác phòng chống HIV nên độ bao phủ của các dịch vụ còn thấp, đặc biệt là đối với các nhóm nguy cơ cao thì hiện nay độ bao phủ dịch vụ đối với họ mới hơn 35%. Số bệnh nhân cần được điều trị đặt mục tiêu 90% thì hiện nay chúng ta mới đạt hơn 50%...
Sự kỳ thị phân biệt đối xử làm cho những người nhiễm HIV, đặc biệt là những đối tượng có hành vi nguy cơ cao như nghiện ma túy, mại dâm lẩn tránh, chưa tiếp cận với các dịch vụ làm cho dịch càng tiểm ẩn và khó kiểm soát.
Một yếu tố nữa khiến công tác phòng chống HIV/AIDS còn nhiều khó khăn là ngành y tế hiện đang sáp nhập hệ thống các cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh. Sự sáp nhập này làm thay đổi tổ chức hệ thống ở các tuyến, cũng làm ảnh hưởng đến kết quả phòng chống dịch.
Thiếu hụt kinh phí
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trong những năm qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS được triển khai toàn diện, rộng khắp và có hiệu quả. Nhờ đó, số người nhiễm HIV mới phát hiện, số bệnh nhân AIDS và số người tử vong do HIV/AIDS hàng năm liên tục giảm.
Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Y tế nhận định, hiện nay tình hình dịch HIV/AIDS vẫn chưa ổn định, có nhiều nguy cơ trở lại, trong khi đó nhiều địa phương chưa quan tâm cao đến công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Tiến sỹ Hoàng Đình Cảnh cho biết, những năm gần đây công tác phòng chống HIV/AIDS đang phải đối mặt với bài toán thiếu hụt khinh phí khi kinh phí viện trợ quốc tế cắt giảm, ngân sách quốc gia không có cho hoạt động động xét nghiệm phát hiện người nhiễm HIV.
Thực tế, ở các tỉnh được đầu tư công tác xét nghiệm phát hiện HIV vẫn phát hiện được người nhiễm HIV ở mức cao. Trong khi đó, một số địa phương khác phần lớn người nhiễm HIV được phát hiện tình cờ từ hệ thống bệnh viện (chủ yếu các bệnh nhân giai đoạn AIDS), mắc các bệnh liên quan đến suy giảm miễn dịch, các bệnh lao, bệnh nhiễm khuẩn đường tình dục hoặc xét nghiệm sàng lọc HIV cho phụ nữ mang thai.
Để đảm bảo nguồn kinh phí, các tỉnh cần tăng cường đầu tư từ ngân sách địa phương cho công tác phòng, chống HIV/AIDS theo đề án đảm bảo tài chính đã được phê duyệt; báo cáo cấp có thẩm quyền để bố trí đủ kinh phí mua thẻ Bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV, đảm bảo 100% bệnh nhân HIV có thẻ Bảo hiểm y tế, thực hiện hỗ trợ đồng chi trả khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế và các hỗ trợ khác...
Bộ Y tế cũng yêu cầu các tỉnh duy trì và tăng cường đội ngũ cán bộ chuyên môn về phòng, chống HIV/AIDS trong quá trình thành lập Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh/thành phố, đặc biệt là cán bộ chuyên môn về tư vấn xét nghiệm HIV, điều trị nghiện các chất dạng thuộc phiện bằng thuốc thay thế và chăm sóc, điều trị HIV/AIDS.
Trông vào bảo hiểm
Để giải bài toán về kinh phí cho công tác điều trị bệnh HIV/AIDS, thời gian qua Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã xây dựng các kế hoạch chi trả thuốc ARV thông qua bảo hiểm y tế khi nguồn viện trợ quốc tế cắt giảm.
Trong khi nguồn thuốc ARV viện trợ từ tổ chức quốc tế ngày càng cạn kiệt, việc tiếp tục điều trị ARV thông qua nguồn thuốc do bảo hiểm y tế chi trả là cơ chế tài chính bền vững cho điều trị thuốc kháng virus ở Việt Nam.
Kể từ năm 2017, khi Bảo hiểm Xã hội thanh toán cho các dịch vụ liên quan xét nghiệm, tải lượng virus, công khám, số người bệnh HIV/AIDS có thẻ bảo hiểm y tế tăng lên. Đặc biệt từ đầu năm 2018, sau khi Bộ Y tế đưa ra khung kế hoạch mua thẻ bảo hiểm y tế, các địa phương được bố trí ngân sách nên đồng loạt mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm. Đến hết năm 2018, con số này sẽ đạt 90%.
Trước tình hình trên, những năm qua Bộ Y tế đã kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS đủ điều kiện ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đơn vị này đã có ba văn bản hướng dẫn chuyên môn, tổ chức rất nhiều đoàn hỗ trợ kỹ thuật; đôn đốc, theo dõi, giám sát, đánh giá tiến độ thực hiện tại các tỉnh, thành phố.
Với sự hỗ trợ kỹ thuật của các dự án, đối tác quốc tế, đến nay hơn 90% cơ sở điều trị HIV/AIDS đã kiện toàn để được ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, khoảng 85% cơ sở điều trị đã thanh toán ít nhất một dịch vụ từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế (tính đến 31/10/2018).
Trong 190 cơ sở được lựa chọn để cung cấp thuốc ARV nguồn bảo hiểm y tế năm 2019 thì có 186/190 cơ sở đã ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, sẵn sàng nhận thuốc. Các cơ sở còn lại đang khẩn trương hoàn thiện công tác kiện toàn ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trước 1/1/2019.
Để thực hiện tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, hướng tới mục tiêu kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Các đơn vị cần đẩy mạnh hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, đặc biệt là phân phát bơm kim tiêm và bao cao su cho các nhóm nguy cơ cao; tiếp tục duy trì và tích cực mở rộng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone.
Bên cạnh đó, ngành y tế và các địa phương cần đẩy mạnh truyền thông, chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS; tăng cường phối hợp liên ngành và huy động xã hội tham gia vào công tác phòng, chống HIV/AIDS./.