Tại Việt Nam, các bệnh truyền nhiễm gây dịch có tỷ lệ mắc trên 100.000 dân cao nhất là cúm, tiêu chảy, sốt xuất huyết, tay chân miệng, lỵ.
Như vậy, có khoảng gần một nửa các bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ mắc cao nhất là những bệnh liên quan tới nước sạch và vệ sinh môi trường.
Ngân hàng Thế giới ước tính Việt Nam mất đi khoảng 16.000 tỷ đồng mỗi năm do vệ sinh kém.
Thông tin trên được Bộ Y tế đưa ra trong buổi lễ hưởng ứng Ngày Nhà vệ sinh thế giới (19/11) vừa diễn ra tại tỉnh Vĩnh Long.
Nhiều chương trình cải thiện điều kiện vệ sinh
Phát biểu tại lễ hưởng ứng, đại diện Cục Quản lý môi trường cho biết, Việt Nam là một trong các quốc gia sớm hưởng ứng sự kiện này.
Hàng năm Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và đào tạo, Trung ương đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt nam và Ủy ban Nhân dân các tỉnh thành phố với sự hỗ trợ của Quỹ Unilever Việt Nam đã tổ chức nhiều sự kiện hưởng ứng Ngày nhà vệ sinh thế giới với các chủ đề đa dạng, hướng tới nhiều đối tượng khác nhau và ở nhiều địa điểm trên toàn quốc.
[Phẫu thuật cho bệnh nhân có khối u tuyến giáp nặng 4kg]
Đến nay, nhiều địa phương, tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp, hiệp hội cũng đã tích cực, chủ động tổ chức các sự kiện hưởng ứng.
Sự kiện nhà vệ sinh cũng đã được coi là hoạt động truyền thông nòng cốt, được tổ chức ở cả cấp thôn bản, xã phường trong nhiều chương trình, dự án về nước sạch và vệ sinh môi trường.
Thông qua các sự kiện hưởng ứng ngày nhà vệ sinh thế giới, nhiều chương trình cải thiện điều kiện vệ sinh đã được khởi động triển khai giúp hàng triệu người dân có nhà tiêu hợp vệ sinh.
Giảm tỷ lệ mắc các bệnh liên quan tới nước sạch
Theo báo cáo tổng hợp từ 63 tỉnh thành phố năm 2017, tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh tại nông thôn đã tăng lên gần 12,8% trong vòng 10 năm, góp phần giảm tỷ lệ mắc các bệnh liên quan tới nước sạch, vệ sinh môi trường, ngăn chặn được các bệnh dịch nguy hiểm. Đây là kết quả rất đáng khích lệ.
Tuy nhiên báo cáo cũng cho thấy vẫn còn có sự chênh lệch lớn; về tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh giữa các vùng miền. Nhiều tỉnh còn có tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình đạt thấp dưới 50%; tỷ lệ phóng uế bừa bãi vẫn ở mức gần 2% trên toàn quốc.
Vẫn còn nhiều trường học, bệnh viện, cơ quan; điểm tham quan du lịch, bến tàu, bến xe; nơi công cộng còn thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh không đạt chuẩn.
Theo báo cáo mới nhất năm 2018 của tổ chức Cứu trợ Nước quốc tế, mỗi năm có 289.000 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong vì mắc bệnh tiêu chảy do sử dụng nước bẩn và vệ sinh kém; Tiêu chảy và các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa làm mất đi sự sống của gần 140.000 trẻ em từ 5 đến 14 tuổi hàng năm; tiêu chảy cũng là nguyên nhân gây suy dinh dưỡng ở trẻ em. Ngân hàng thế giới ước tính Việt Nam mất đi khoảng 16 nghìn tỷ đồng mỗi năm do vệ sinh kém.
Để góp phần cải thiện điều kiện vệ sinh, năm nay, hoạt động hưởng ứng Ngày nhà vệ sinh Thế giới; với chủ đề “Chung tay giúp trẻ em có nhà vệ sinh an toàn”; với mong muốn mọi trẻ em Việt Nam – thế hệ tương lai sẽ có nhà tiêu hợp vệ sinh.
Trong buổi Hưởng ứng Ngày nhà vệ sinh thế giới, Cục Quản lý môi trường y tế cũng kêu gọi các ban ngành, tổ chức chính trị xã hội cần triển khai các giải pháp cải thiện vệ sinh quyết liệt hơn, phù hợp hơn cho từng nhóm đối tượng, từng vùng miền, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, tăng cường hơn nữa sự phối hợp liên ngành, tăng cường xã hội hóa, kêu gọi sự tham gia nhiều hơn nữa của các doanh nghiệp cung cấp.
Bộ Y tế cũng kêu gọi các đơn vị, các cấp chính quyền, các tổ chức triển khai các hoạt động lắp đặt các công trình vệ sinh, xử lý chất thải, triển khai có hiệu quả hơn công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân, hình thành thói quen tốt cho các em học sinh về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, xây dựng, sử dụng và bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh.
Toàn thể người dân, cùng các thầy, cô giáo chung tay xây dựng, sử dụng và bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh, giáo dục trẻ em hình thành thói quen tốt về vệ sinh, cùng tham gia bảo vệ môi trường./.