Giám sát vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước ở nơi ngập lụt

Nguy cơ nhiều loại dịch bệnh tiêu chảy, tay chân miệng, bệnh ngoài da… có nguy cơ bùng phát do nguồn nước sau ngập không đảm bảo vệ sinh.
Giám sát vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước ở nơi ngập lụt ảnh 1Người dân vệ sinh nhà cửa sau nước ngập. (Ảnh: Xuân Tình/TTXVN)

Trong những ngày qua, do ảnh hưởng của bão, tại các tỉnh từ Bình Định đến Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh có mưa lớn kéo dài gây sạt lở đất, ngập lụt nghiêm trọng.

Tại nhiều tỉnh, huyện, đặc biệt là nhiều vùng núi, nông thôn mưa lớn kết hợp gây nên tình trạng ngập cục bộ kéo dài tại một số khu dân cư khiến tồn đọng rác thải, chất thải của người và gia súc...

[Chuyển đổi thành công điều trị HIV do bảo hiểm y tế chi trả]

Các chuyên gia y tế khuyến cáo cộng đồng cần thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, bảo vệ sức khỏe trước nguy cơ các loại dịch bệnh tiêu chảy, tay chân miệng, bệnh ngoài da… có nguy cơ bùng phát do nguồn nước sau ngập không đảm bảo vệ sinh.

Vừa qua, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản chỉ đạo Trung tâm Y tế các quận, huyện về việc tăng cường giám sát vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước và phòng chống dịch bệnh sau cơn bão. Mặc dù bão đã qua nhưng lượng mưa lớn kết hợp với triều cường gây ra tình trạng ngập úng cục bộ tại một số khu vực dân cư, có nơi kéo dài từ 2 đến 3 ngày.

Việc phát sinh các loại rác thải, chất thải của con người, gia súc, nguồn nước sinh hoạt bị ảnh hưởng sẽ gây nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh tiêu chảy, sốt xuất huyết, tay chân miệng và các bệnh ngoài da…

Để chủ động phòng chống dịch bệnh sau mưa bão và ngập nước, Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các Trung tâm Y tế quận, huyện tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, môi trường, an toàn thực phẩm và xử lý xác súc vật chết theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Các trạm y tế phường, xã tăng cường giám sát vệ sinh môi trường tại các trạm trung chuyển rác, bô rác, nhà vệ sinh công cộng, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, các cơ sở cung cấp nước, chung cư, nước sinh hoạt của các hộ dân.

Các đơn vị có liên quan cần tổ chức giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý triệt để các bệnh có thể xảy ra sau mưa bão, triều cường như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm.

Đặc biệt, đề phòng các bệnh lây qua đường tiêu hóa như dịch tả, lỵ, thương hàn…, tổ chức các đoàn đi kiểm tra, hướng dẫn người dân về vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm khi cần thiết.

Khi có sự cố liên quan đến chất lượng nguồn nước ăn uống, sinh hoạt, Trung tâm Y tế quận, huyện cần chủ động cung cấp hóa chất, hướng dẫn người dân triển khai vệ sinh và khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt bằng Cloramin B.

Về nguồn nước, các đơn vị có liên quan cần tăng cường giám sát chất lượng nước dùng trong ăn uống, sinh hoạt tại các trạm cấp nước tập trung, đảm bảo người dân có nước sạch an toàn để sử dụng.

Về nước sạch, tại các điểm cung cấp nước sạch cho người dân cần đảm bảo nồng độ Clo dư luôn đạt từ 0,3-0,5 mg/l tại vòi sử dụng, đảm bảo người dân có nước sạch an toàn để sử dụng và tuyệt đối thực hiện việc ăn chín uống sôi.

Trong việc sử dụng thực phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo, người dân cần lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi.

Để phòng chống dịch bệnh, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân vùng ngập lụt cần thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; vệ sinh cá nhân hằng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.

Cùng với đó, thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác súc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế; khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh truyền nhiễm, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục