10 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, tiền lương của các giám đốc điều hành (CEO) ngân hàng lớn nhất của Mỹ tăng vọt, ngay cả khi thu nhập của các cấp dưới giảm đi.
Số liệu về thu nhập được các ngân hàng lớn công bố từ đầu năm đến nay cho thấy lý do vì sao các CEO giàu có, dù có rất nhiều những điều gây lo ngại cho các thị trường như đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, cuộc chiến thương mại và những bất ổn xung quanh câu chuyện nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu.
Số tiền mà ông Jamie Dimon, CEO của JPMorgan Chase, ngân hàng đứng đầu Mỹ về số tài sản, nhận được là 31 triệu USD trong năm 2018, tăng 5,1% so với năm 2017 và là số tiền lớn nhất mà ông được hưởng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Tại Morgan Stanley, CEO James Gorman sẽ nhận được 29 triệu USD, tăng 7%.
Con số cuối cùng về tiền lương có thể được Bank of America, Goldman Sachs, Citigroup và Wells Fargo công bố trong mấy ngày tới.
Các ngân hàng lớn nhất kể trên của Mỹ đạt lợi nhuận kỷ lục 117,6 tỷ USD trong năm ngoái, với JPMorgan thu về khoản lợi nhuận lớn nhất từ trước tới nay là 32,5 tỷ USD và Morgan Stanley cũng lập kỷ lục mới là 8,2 tỷ USD.
Mức lương của các nhân viên bình thường của những ngân hàng trên là khác nhau nhưng cho dù tăng mạnh hơn thì vẫn không theo kịp các CEO.
Theo một phân tích được công bố vào cuối tuần trên tờ Financial Times, lương của 256.000 nhân viên của JPMorgan tăng trung bình 4,4%, trong khi của 60.300 nhân viên tại Morgan Stanley giảm 2%.
Tại Goldman Sachs, tiền lương của người lao động giảm 3%. Lương nhân viên tăng 2,2% tại Bank of America và Citigroup, nhưng tăng 4,1% tại Wells Fargo.
Khoảng cách thu nhập giữa các CEO và nhân viên bình thường vẫn là rất lớn.
Tại JPMorgan, lương của ông Dimon gấp hơn 364 lần mức lương trung bình của nhân viên.
Trong khi đó, tại Morgan Stanley, lương của ông Gorman gấp khoảng 192 lần người lao động bình thường./.