Lâu nay khi xuất hiện trong các phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, giọng điệu chung của lãnh đạo các công ty công nghệ lớn luôn thể hiện mức độ kháng cự nhất định. Những ví dụ điển hình gồm có Mark Zuckerberg - đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) công ty Meta - và Jeff Bezos - người sáng lập, CEO và Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty công nghệ đa quốc gia Amazon - đều đã bị các nghị sĩ Mỹ chỉ trích dữ dội, do không hài lòng với các hoạt động mà công ty của họ đang thực hiện.
Nhưng trong buổi điều trần diễn ra hôm 16/5, Sam Altman, CEO công ty OpenAI, người được xem là "cha đẻ" của ứng dụng ChatGPT đã có thái độ khác hẳn. Trước các thành viên của Tiểu ban Tư pháp thuộc Thượng viện Mỹ, ông đã thể hiện sự đồng ý với họ về sự cần thiết phải kiểm soát trí thông minh nhân tạo (AI), công nghệ đang được phát triển mạnh tại OpenAI cũng như các gã khổng lồ công nghệ khác, gồm Google và Microsoft.
Tại phiên điều trần, Altman nhấn mạnh OpenAI được thành lập dựa trên niềm tin rằng AI có khả năng cải thiện gần như mọi khía cạnh trong đời sống con người. Tuy nhiên, điều này cũng có thể gây những rủi ro lớn. Vì thế, các nhà lập pháp Mỹ cần tạo ra những tham số, những ranh giới cho cộng đồng đứng sau AI, để tránh việc gây ra “tác hại đáng kể cho thế giới”.
"Cha đẻ" của ChatGPT khuyến nghị Chính phủ Mỹ có thể cân nhắc kết hợp các yêu cầu cấp phép và thử nghiệm trước khi phê duyệt những mô hình AI mạnh, đa năng. Đồng thời, họ có thể xem xét việc thu hồi giấy phép trong trường hợp vi phạm quy định.
Ngoài ra, Altman cho rằng nên dán nhãn sản phẩm và tăng cường phối hợp toàn cầu trong việc xây dựng các quy định về công nghệ cũng như thành lập một cơ quan chuyên trách của Mỹ giải quyết các vấn đề về AI.
[Nguy cơ thông tin sai lệch khi dùng AI trong chăm sóc sức khỏe]
Tham gia cùng Altman trong cuộc điều trần còn có 2 chuyên gia AI khác là Gary Marcus, Giáo sư Tâm lý học và Khoa học Thần kinh tại Đại học New York và Christina Montgomery, Giám đốc Ủy thác & Quyền riêng tư của công ty IBM. Cả ba người đã ủng hộ việc quản lý AI ở cả cấp liên bang tại Mỹ, cũng như trên quy mô toàn cầu, dù cách tiếp cận hơi khác nhau.
“Chúng ta đã chế tạo những cỗ máy trông giống như tượng bò tót trong cửa hàng đồ sứ: Mạnh mẽ, liều lĩnh nhưng khó kiểm soát," Marcus nói. Để giải quyết vấn đề này, ông đề xuất việc tạo ra một cơ quan giám sát, giống như Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (CDC) ở mảng y tế, để những người sáng tạo trong lĩnh vực AI phải chứng minh sự an toàn của sản phẩm họ đang nghiên cứu, cũng như phải cho thấy rõ rằng lợi ích lớn hơn tác hại.
Tuy nhiên, các thượng nghị sĩ lãnh đạo phiên điều trần vẫn tỏ ra hoài nghi về ngành công nghiệp AI đang phát triển nhanh chóng. Họ coi chúng có nhiều tác động mà người ta chưa thấy được, như giết chết việc làm của con người, vượt qua năng lực nhận thức của chúng ta và có thể dùng để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Altman thể hiện sự đồng thuận, thấu hiểu mối quan ngại của các nghị sĩ. Nhưng ông cũng cho rằng AI có tiềm năng để giải quyết nhiều vấn đề lớn của nhân loại như biến đổi khí hậu và điều trị bệnh ung thư. Điều còn thiếu là những quy định chặt chẽ hơn để quản lý AI sao cho nó chỉ phục vụ cho những mục đích tốt đẹp.
Sam Altman, sinh năm 1985, là một tài năng trong ngành công nghệ. Ông sinh ra và lớn lên ở St. Louis, Missouri, có gốc là người Do Thái. Năm lên 8 tuổi, ông được mẹ đẻ tặng cho chiếc máy tính đầu tiên và nhanh chóng yêu thích nó. Đây cũng là món quà giúp ông định hình tương lai của mình sau này.
Học hết phổ thông, Altman tiếp tục theo học ngành khoa học máy tính tại Đại học Stanford nhưng giống nhiều tài năng công nghệ khác, ông bỏ học vào năm 2005 để đồng sáng lập và trở thành CEO của Loopt - ứng dụng di động và mạng xã hội dựa trên vị trí. Loopt từng huy động được 30 triệu USD, nhưng phải đóng cửa năm 2012 vì không thu hút được sự chú ý, sau đó bị thâu tóm với giá 43,4 triệu USD.
Altman bắt đầu làm đối tác bán thời gian tại vườn ươm khởi nghiệp nổi tiếng Y Combinato vào năm 2011 và gia nhập công ty một năm sau đó. Tháng 2/2014, ông được người đồng sáng lập Paul Graham bổ nhiệm làm chủ tịch công ty ở tuổi 29. Hai năm sau, ông trở thành Chủ tịch YC Group, gồm Y Combinator và các đơn vị khác, đặt mục tiêu tài trợ 1.000 startup mỗi năm. Đến 2019, Altman từ chức để tập trung tâm sức phát triển OpenAI. Công ty hiện là doanh nghiệp đi đầu thế giới trong lĩnh vực AI.
Các công cụ AI đã tạo nên "cơn sốt công nghệ" sau khi sản phẩm ChatGPT được OpenAI cho ra mắt vào tháng 11/2022. Ứng dụng ChatGPT có thể đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi hóc búa, viết mã code, sáng tác thơ hoặc viết bài luận, thậm chí có thể giúp học sinh-sinh viên vượt qua các kỳ thi khó./.