Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh tế-xã hội của đất nước, Đảng đoàn Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã xây dựng báo cáo chuyên đề về một số tác động của dịch COVID-19 đối với các lĩnh vực giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao, du lịch; thông tin, truyền thông; tín ngưỡng, tôn giáo và đối tượng thanh niên, trẻ em.
Mới đây, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội.
Chuyển đổi hình thức dạy gây băn khoăn, lúng túng
Báo cáo nêu rõ từ đầu năm 2020, dịch COVID-19 đã có nhiều tác động tiêu cực đến ngành giáo dục. Trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên đã phải tạm dừng đến trường trong nhiều tháng liên tiếp. Nhiều giáo viên, trẻ em, học sinh bị mắc COVID-19. Nhiều nhiệm vụ quan trọng của ngành không thể tiến hành theo đúng kế hoạch.
Công tác dạy và học, phát triển đội ngũ, tài chính và bảo đảm chất lượng giáo dục cũng như tư tưởng, tâm lý của đội ngũ nhà giáo, trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên và cha mẹ học sinh bị tác động lớn.
Giáo dục mầm non bị gián đoạn trong thời gian dài, ảnh hưởng nhiều đến nền nếp, thói quen, chế độ sinh hoạt theo độ tuổi của khoảng 4 triệu trẻ em, nhất là ở các khu đô thị, địa phương có khu công nghiệp. Đối với trẻ 5 tuổi, việc chuẩn bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để sẵn sàng vào lớp 1 theo Chương trình giáo dục mầm non 5 tuổi còn hạn chế, gây khó khăn khi học chương trình lớp 1 ở tiểu học của trẻ.
Mặc dù nhiều học sinh đã khá thích ứng với việc học qua truyền hình, internet, tuy nhiên, hình thức trực tuyến chủ yếu phù hợp với học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội thuận lợi.
Đối với học sinh cấp tiểu học (nhất là lớp 1) và học sinh ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn thì hình thức học trực tuyến còn gặp nhiều thách thức, khó triển khai hoặc triển khai không hiệu quả.
Nguyên nhân chủ yếu do cơ sở vật chất (đường truyền, trang thiết bị hỗ trợ học tập trực tuyến...) không đáp ứng, nhiều gia đình không đủ điều kiện mua sắm trang thiết bị học tập cho con em; khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của một số giáo viên và việc giám sát, hỗ trợ con em học trực tuyến của cha mẹ học sinh nhìn chung còn hạn chế.
[40 tỉnh thành tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình]
Các địa phương được chủ động lựa chọn phương thức xét tuyển hoặc thi tuyển vào trung học phổ thông tùy vào tình hình thực tế nhưng đa số còn lúng túng trong lựa chọn thi tuyển hoặc xét tuyển, hoặc kết hợp cả hai phương thức. Chất lượng và công bằng của kỳ thi vào các lớp đầu cấp khó đạt yêu cầu; việc phân luồng sang đào tạo nghề gặp nhiều khó khăn.
Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông được tổ chức trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp. Ngành giáo dục và đào tạo đã chỉ đạo tổ chức kỳ thi thành 2 đợt phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương.
Các địa phương chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các điểm thi; có giải pháp hỗ trợ tối đa cho thí sinh, đảm bảo không để thí sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không đến dự thi; xem xét đặc cách xét công nhận tốt nghiệp cho các thí sinh đủ điều kiện dự thi đợt 2 nhưng không thể dự thi do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 và có nguyện vọng.
Dịch bệnh cũng đã ảnh hưởng tới chất lượng và tiến độ thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Công tác tổ chức biên soạn, thẩm định sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương và Chương trình đào tạo (đào tạo lại) giáo viên phổ thông bị chậm tiến độ.
Báo cáo cũng nhận định chất lượng đào tạo nghề nghiệp bị ảnh hưởng do thời gian thực hành, thực tập tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh không thể thực hiện theo kế hoạch, nhất là đối với các chương trình chuyển giao đào tạo nghề chất lượng cao đang thí điểm thực hiện.
Hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và công tác tài chính của cơ sở giáo dục đại học gặp nhiều khó khăn. Hoạt động giảng dạy và đánh giá trực tuyến mới chỉ thực hiện nhỏ lẻ với một số học phần, chưa được triển khai toàn chương trình; nhiều chương trình đào tạo, nhất là các chương trình thuộc nhóm ngành đặc thù như nghệ thuật phải nghỉ thường xuyên.
Theo báo cáo, việc chuyển đổi hình thức dạy học trực tiếp sang các hình thức khác cũng gây tâm lý băn khoăn, lúng túng trong thực hiện, nhất là với giáo viên lớn tuổi, ở vùng khó khăn, cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa bảo đảm.
Bên cạnh đó, việc áp dụng đồng thời nhiều hình thức dạy học trực tuyến - qua các hệ thống phần mềm, qua truyền hình, giao bài qua các ứng dụng trực tuyến, email, giao bài trực tiếp,… tạo nhiều áp lực cho giáo viên; việc hướng dẫn, theo dõi, giám sát hoạt động học tập của học sinh, sinh viên gặp nhiều khó khăn.
Đối với trẻ mầm non, mẫu giáo và lớp 1 phải ở nhà thời gian dài ảnh hưởng đến nền nếp, thói quen thực hiện chế độ sinh hoạt theo yêu cầu phát triển của độ tuổi; ảnh hưởng đến sự phát triển về tâm lý, sức khỏe và kỹ năng giao tiếp với thế giới xung quanh.
Đối với học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, việc thay đổi hình thức học tập từ trực tiếp sang trực tuyến, học qua truyền hình có tác động tích cực đến việc duy trì thói quen học tập, khiến các em linh hoạt, chủ động học tập hơn. Tuy nhiên, ý thức học tập của một bộ phận học sinh bị ảnh hưởng do tính tự giác chưa cao.
Riêng với cha mẹ học sinh, 41% báo cáo từ địa phương cho thấy cha mẹ học sinh lo lắng về chất lượng dạy học, sức khỏe của con khi học trực tuyến. Nhiều gia đình không có điều kiện để mua các thiết bị phục vụ cho học trực tuyến; nhiều phụ huynh gặp khó khăn trong việc tổ chức quản lý, giám sát, chăm sóc, hướng dẫn con em mình học tập...
Ngưng trệ nhiều hoạt động văn hóa
Liên quan đến lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, việc áp dụng các biện pháp kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh đã khiến nhiều hoạt động văn hóa ngưng trệ. Nhiều địa phương phải tạm thời đóng cửa di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh, dừng tổ chức các sự kiện, lễ hội, các hoạt động văn hoá tập trung đông người…
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc hưởng thụ văn hóa của người dân, quảng bá, xúc tiến giới thiệu các giá trị văn hóa mà còn giảm sút nghiêm trọng số lượng khách tham quan, gây thiệt hại về kinh tế, thất thu lớn cho ngân sách các địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng người dân địa phương.
Ngành điện ảnh cũng đã chịu những tác động nặng nề do đại dịch COVID-19 gây ra. Doanh số toàn ngành trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 1.156 tỷ đồng, giảm gần 50% so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 cũng có mặt tác động tích cực, thúc đẩy nhiều loại hình hưởng thụ văn hóa phát triển trên nền tảng số, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Dịch COVID-19 đã làm hầu hết các hoạt động thể dục, thể thao ở trung ương và địa phương phải hủy bỏ, ảnh hưởng đến việc triển khai tổ chức đại hội thể dục, thể thao các cấp và công tác chuẩn bị lực lượng vận động viên tham dự Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX vào năm sau.
Dịch bệnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chuẩn bị tổ chức SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11, nhiều công việc bị chậm tiến độ do thực hiện phong tỏa, giãn cách; kinh phí chi thường xuyên phục vụ công tác tổ chức chưa được cấp và còn đang chờ phương án lùi thời điểm tổ chức.
Do tác động của dịch COVID-19, lượng khách du lịch sụt giảm, tác động tiêu cực đến hoạt động du lịch. Năm 2020 khách quốc tế đến Việt Nam giảm 80% so với năm 2019, khách du lịch nội địa giảm 34%, tổng thu từ khách du lịch giảm 59%.
Trong 6 tháng đầu năm 2021 khách quốc tế đến Việt Nam đạt 88,2 nghìn lượt người, giảm 97,6% so với cùng kỳ năm trước; khách du lịch nội địa tại Việt Nam ước đạt 30,5 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 134.000 tỷ đồng, giảm 24,2% so với cùng kỳ năm 2020...
Báo cáo cũng chỉ rõ, dù bị ảnh hưởng lớn, gặp nhiều khó khăn, các cơ quan báo chí đã thể hiện vai trò, trách nhiệm, đưa tin kịp thời, nhanh nhạy về tình hình dịch bệnh đến đông đảo công chúng.
Phóng viên, nhà báo sẵn sàng đối mặt với nguy hiểm để ghi nhận tình hình, công tác phòng, chống dịch tại các bệnh viện, khu cách ly. Dịch bệnh cũng đã làm cho số lượng độc giả, nhất là độc giả báo điện tử, báo hình tăng lên nhanh chóng do nhiều nơi bị phong tỏa, người dân hạn chế đi lại, không được tham gia vào các hoạt động ngoài trời.
Trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều tổ chức tôn giáo đã tạm dừng đại hội nhiệm kỳ, các hội nghị thường niên và các hoạt động tôn giáo có đông tín đồ tham dự; khuyến cáo tín đồ không tập trung đông người; không mời giáo sỹ nước ngoài vào Việt Nam, tạm dừng cử các đoàn đi hoạt động tôn giáo ở nước ngoài và hạn chế, không đón tiếp các đoàn tôn giáo nước ngoài vào Việt Nam hoạt động.
Dịch COVID-19 ảnh hưởng mạnh mẽ đến suy nghĩ, nhận thức của thanh niên
Dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn thanh niên, đặc biệt là đối tượng lao động trẻ bị chấm dứt, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương… nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp và không có giao kết hợp đồng lao động. Dịch bệnh tác động đến tâm trạng, tư tưởng, đời sống của thanh niên, nhất là những người đang đi học, đi làm… bị ảnh hưởng trực tiếp.
Quý 2 năm 2021, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 (số người trong độ tuổi từ 25 đến 54 chiếm 75%).
Trong số đó có 557.000 người bị mất việc, chiếm 4,4%; 4,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 31,8%; 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 34,1% và 8,5 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 66,4%.
Dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu sắc đến suy nghĩ, thói quen và nhận thức của thanh niên theo cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực. Qua các hoạt động phòng, chống dịch, đa số thanh niên bày tỏ niềm tin yêu và tự hào về đất nước, sống có trách nhiệm hơn.
Phần lớn thanh niên tin tưởng các chính sách kích thích, hỗ trợ, phục hồi kinh tế của Chính phủ sẽ phát huy hiệu quả, tuy nhiên, vẫn còn tỷ lệ nhất định thanh niên, nhất là thanh niên sinh sống ở đô thị còn băn khoăn, chưa thực sự tin tưởng vào chính sách.
Dịch bệnh góp phần làm tăng mức độ rủi ro và nguy cơ bị xâm hại đối với trẻ em. Số lượng vụ việc xâm hại trẻ em trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng 21.8% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong điều kiện giãn cách xã hội do COVID-19, trẻ em bị hạn chế vui chơi, giải trí, tham gia các hoạt động xã hội, tương tác cộng đồng, dễ phát sinh tâm lý buồn chán, tăng thời gian sử dụng internet và mạng xã hội, dễ bị ảnh hưởng của thông tin xấu, độc, bị bắt nạt, lợi dụng, xâm hại thông qua môi trường mạng.
Trẻ em không đến trường học do giãn cách xã hội kéo dài, nhất là trẻ trong những gia đình bố mẹ vẫn phải đi làm không có người trông giữ, dẫn đến nhiều trường hợp trẻ em bị tai nạn, thương tích, nhất là đuối nước, trẻ em bị rơi, ngã ở nhà cao tầng.
Sau đại dịch, nhiều trẻ em sẽ phải chịu ảnh hưởng lâu dài, do hàng triệu gia đình có trẻ em bị đe dọa về sinh kế có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo đói hoặc tái nghèo, sẽ làm tăng số trẻ em phải lao động kiếm sống, tham gia vào các hoạt động kinh tế của gia đình.
Triển khai quyết liệt các biện pháp để kiểm soát tốt dịch COVID-19
Căn cứ vào tác động của dịch COVID-19 trên các lĩnh vực, ý kiến đề xuất của các bộ, ngành có liên quan và của các đoàn đại biểu Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội đề nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các biện pháp để kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19, xem đây là giải pháp cốt lõi nhất để phục hồi kinh tế-xã hội, giảm thiểu các tác động tiêu cực do COVID-19 gây ra.
Ban Cán sự Đảng Chính phủ cần chỉ đạo nghiên cứu, đánh giá toàn diện, đầy đủ, khoa học tác động của COVID-19 trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở nước ta; tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả Chiến lược vaccine; chỉ đạo triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp; thường xuyên kiểm tra, rà soát, kịp thời bổ sung, điều chỉnh đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tiễn.
Quan tâm tới các đối tượng lao động trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo; văn hóa, thể thao, du lịch; tín ngưỡng, tôn giáo; thông tin truyền thông, thanh niên và trẻ em...
Đảng đoàn Quốc hội đề nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ, viên chức, người lao động ngành giáo dục, sinh viên, học sinh để các em được đến trường sớm nhất có thể; rà soát, đánh giá kỹ thực trạng, khó khăn, vướng mắc về triển khai dạy học trong bối cảnh dịch bệnh đối với từng địa bàn, từng cấp học, bậc học, loại hình cơ sở giáo dục; chủ động xây dựng phương án, kịch bản, giải pháp tổng thể về tổ chức dạy học, thi, đánh giá chất lượng giáo dục thích ứng với điều kiện cụ thể, bảo đảm an toàn, hiệu quả trong hoạt động dạy học và sự công bằng về điều kiện học tập, tiếp thu kiến thức của học sinh.
Ban Cán sự Đảng Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng, triển khai giải pháp hỗ trợ công tác bảo vệ, giữ gìn các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, bảo tàng… trong thời gian đóng cửa giãn cách xã hội, tránh tình trạng “di tích” trở thành “phế tích” sau đại dịch; chuẩn bị kế hoạch sử dụng, đón khách khi điều kiện cho phép; nghiên cứu, triển khai kế hoạch phục hồi, phát triển ngành du lịch sau đại dịch, kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến một số khu, điểm du lịch; thí điểm mô hình “Hộ chiếu vaccine.”
Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng các giải pháp, chính sách hỗ trợ thanh niên về việc làm, công tác đào tạo, tiếp cận nguồn vốn tín dụng, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp...; trong đó, đặc biệt quan tâm đến nhóm lao động nghèo, lao động nữ, đối tượng thanh niên khuyết tật, thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên công nhân có hoàn cảnh khó khăn, thanh niên yếu thế, thanh niên công nhân trở về quê do dịch bệnh; rà soát đầy đủ, chính xác và cập nhật thường xuyên đối tượng trẻ em mồ côi do cha mẹ bị thiệt mạng bởi dịch COVID-19; có cơ chế, chính sách hỗ trợ đảm bảo cho các em được học tập và phát triển toàn diện./.