Chặn tin nhắn rác: Nhà mạng cần nghiêm túc “soi” lại chính mình

Khi nhà mạng không thực sự vì quyền lợi của người tiêu dùng thì chắc chắn tin nhắn rác vẫn sẽ là vấn nạn khiến người tiêu dùng khó chịu.
Chặn tin nhắn rác: Nhà mạng cần nghiêm túc “soi” lại chính mình ảnh 1Nhà mạng nhắn tin rác mỗi ngày. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Cho dù cơ quan chức năng đã lần lượt cho ra đời nhiều văn bản với mục tiêu ngăn chặn tin nhắn rác, song vấn nạn này vẫn đang hoành hành, gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc sử dụng điện thoại di động của người tiêu dùng. Buồn thay, một con số không nhỏ tin nhắn rác quảng cáo lại đến từ… nhà mạng.

Tin rác từ nhà mạng

Trong thời gian gần đây, tình trạng tin nhắn rác quấy rầy người dùng di động vẫn tiếp tục diễn ra, cho dù Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như các cơ quan chức năng đã đưa ra những văn bản, quyết sách nhằm đẩy lùi vấn nạn này.

“Mỗi ngày, diện thoại của tôi nhận cả chục tin nhắn rác thì không hiểu cơ quan chức năng xử lý kiểu gì? Kêu gọi nhà mạng xử lý, xong bản thân nhà mạng cũng nhắn tin quảng cáo suốt ngày thì xử lý ai…,” một người dùng di động tại ngõ 637, Trương Định, Hà Nội bức xúc nói với phóng viên VietnamPlus.

Tại máy điện thoại của người viết bài, mạng di động Viettel đã nhắn không ít tin quảng cáo. Cụ thể, ngày 6-7-8/4, 12-13/4, mỗi ngày Viettel gửi 1 tin nhắn dịch vụ. Thậm chí, ngày 3/4, nhà mạng nhắn liền 2 tin quảng cáo.

Trong khi đó, mạng VinaPhone ngày 30/3-2/4 nhắn cho khách hàng mỗi ngày 1 tin nhắn. MobiFone ngày 12-13/4 mỗi ngày 1 tin nhắn…

Thực tế cũng có ngày nhà mạng không nhắn tin quảng cáo dịch vụ tới khách hàng, song đó chỉ là trường hợp hiếm. 

Trong mỗi lần nhắn tin dịch vụ, đa phần nhà mạng sẽ “hướng dẫn” khách hàng cách soạn tin nhắn từ chối nhận tin quảng cáo và gửi lại tổng đài. Tuy nhiên, rất nhiều “Thượng đế” không lựa chọn từ chối dịch vụ vì bởi một lẽ: Sợ không nhận được thông tin khuyến mại nạp thẻ được tặng tiền từ nhà mạng.

Thậm chí, ở nội dung tin nhắn dịch vụ, nhà mạng còn sử dụng từ ngữ dễ gây hiểu sai nếu ai đó chỉ đọc lướt qua. Ví dụ: "Thuê bao xxxx đã được lựa chọn để nhận được cơ hội trúng thưởng đặc biệt..." rồi từ đó hướng dẫn người dùng tham gia chương trình...

Trả lời phóng viên VietnamPlus, tổng đài viên của Viettel và MobiFone đều xác nhận nếu soạn từ chối thì sẽ không nhận được quảng cáo từ đầu số nhắn tin dịch vụ của nhà mạng. Và tất nhiên, trong đó bao gồm cả những tin nhắn khuyến mãi nạp thẻ.

Riêng với Viettel, khách hàng soạn tin nhắn từ chối thì sau 180 ngày, nhà mạng sẽ lại chủ động nhắn tin dịch vụ tới thuê bao.

Rất nhiều người khi được phóng viên VietnamPlus hỏi đều trả lời rằng khi nhận tin nhắn quảng cáo dịch vụ của nhà mạng, họ thường thì xóa luôn, trừ tin nhắn khuyến mại thẻ nạp. Do đó, việc gộp dịch vụ để nhắn tin chung một đầu số đã đánh vào tâm lý, cản trở người dùng soạn tin từ chối nhận quảng cáo. Với “chiêu độc” này, nhà mạng đã tạo ra sợi dây vô hình để “buộc” khách hàng phải “lướt qua” tin nhắn dịch vụ của mình.

Trách nhiệm nào với "Thượng đế"?

Nhìn một cách sòng phẳng, mỗi một dịch vụ quảng cáo dù ít hay nhiều thì đều đem lại những giá trị cho khách hàng. Tuy nhiên, việc quảng cáo quá dày như vậy và cùng với việc những dịch vụ từ các tổ chức, doanh nghiệp khác thường xuyên “dội bom” tin nhắn sẽ làm khổ người dùng. 

Vào năm 2013, trong một cuộc họp tại Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội bàn về xử lý tin nhắn rác trên địa bàn Thủ đô, đại diện các nhà mạng khi đó đều tuyên bố chấp nhận giảm doanh thu để xử lý tin nhắn rác. Thế nhưng, sau hơn hai năm, tình trạng này giảm hay tăng thì có lẽ bất kỳ ai dùng di động đều rõ.

Một điều “rõ như ban ngày” nữa, đó chính là việc nhà mạng gia tăng tần suất quảng cáo dịch vụ của chính mình với hi vọng dịch vụ đến được với khách hàng. Đây có thể xem là cách quảng cáo hữu hiệu nhất so với các loại quảng cáo khác, thậm chí cả trên các phương tiện truyền thông đại chúng như truyền hình hay báo điện tử bởi nó đến trực tiếp với thiết bị người dùng sử dụng hàng ngày.

Bên cạnh câu chuyện quảng cáo dịch vụ của nhà mạng, vấn nạn tin nhắn rác (từ các sim rác, đầu số…) của các tổ chức, cá nhân khác bấy lâu nay cũng làm khổ người dùng.

Trong một lần trao đổi, ông  Vũ Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch phụ trách Nghiên cứu Phát triển của Bkav cho rằng, tin nhắn rác dù trực tiếp (sim) hay gián tiếp (đầu số) thì đều đem lại nguồn thu cho nhà mạng. Bởi thế, nhà mạng phải thực sự hy sinh lợi nhuận thì nạn tin nhắn rác mới giảm.

Tại Hội thảo Security World 2015 diễn ra vào cuối tháng Ba vừa qua, Đại tá Nguyễn Văn Thỉnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng (Bộ Công an) thẳng thắn đưa ra kiến nghị các cơ quan nhà nước cần phải có biện pháp cụ thể nhằm chấm dứt hoặc hạn chế thấp nhất tình trạng phát tin nhắn rác hiện nay, chấm dứt buôn bán sim rác. Bởi lẽ, ngoài việc gây ảnh hưởng xấu về mặt xã hội, tin nhắn rác còn tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh thông tin vì thường gắn liền với mã độc, thu thập thông tin cá nhân.

Thế nhưng trên thực tế, sim rác bán tràn lan từ các đại lý trên nhiều đường phố (dù có rất nhiều văn bản để chấm dứt tình trạng này). Mà, sim rác được xem là một trong những nguồn phát tán tin nhắn rác phổ biến.

Không thể nói là cơ quan chức năng không cố gắng, nhưng cố gắng của họ sẽ là không đủ để xóa bỏ sim rác, hạn chế tối đa tin nhắn rác khi mà nhà mạng không tự chấn chỉnh mình cũng như các đại lý cấp dưới.

Vẫn biết, doanh nghiệp phải đặt lợi ích của mình lên trên, nhưng quá vì lợi nhuận mà lơ là trách nhiệm với “Thượng đế” thì quả là điều đáng trách.

Bởi thế, dư luận đang trông chờ sự mạnh tay chặn tin rác bằng hành động của nhà mạng chứ không chỉ dừng lại ở việc "hô khẩu hiệu."/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục