Chất lượng nguồn nước bị ảnh hưởng do ô nhiễm từ sông Sài Gòn-Đồng Nai

Hiện nay, nguồn nước sông Sài Gòn, sông Đồng Nai đang phải gánh một khối lượng nước thải khổng lồ từ các khu dân cư, khu đô thị, các nhà máy sản xuất, khu công nghiệp, khu chế xuất... nằm dọc sông.
Khu trung tâm quận 1 (Thành phố Hồ Chí Minh) bên bờ sông Sài Gòn. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Hiện nay, 94% nguồn nước thô cung cấp cho các nhà máy nước ở Thành phố Hồ Chí Minh để phục vụ sản xuất và sinh hoạt đến từ nước mặt của lưu vực sông Sài Gòn-Đồng Nai. Tuy nhiên, nguồn cung cấp nước này đang bị suy giảm chất lượng do tác động của quá trình đô thị hóa.

Để hạn chế tối đa ô nhiễm nguồn nước, Thành phố Hồ Chí Minh triển khai nhiều giải pháp để giảm thiểu các tác động của hoạt động kinh tế-xã hội và biến đổi khí hậu đến chất lượng nguồn nước mặt, đảm bảo cung cấp nước sạch, an toàn cho hơn 10 triệu người dân thành phố.

Ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng

Theo Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), Thành phố Hồ Chí Minh nằm ở cuối lưu vực sông Sài Gòn-Đồng Nai. Vấn đề ô nhiễm nguồn nước do tác động của phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương phía trên lưu vực sông là rất lớn, không dễ kiểm soát.

Trên thực tế, nguồn nước sông Sài Gòn, sông Đồng Nai đang phải gánh một khối lượng nước thải khổng lồ từ các khu dân cư, khu đô thị, các nhà máy sản xuất, khu công nghiệp, khu chế xuất... nằm dọc sông. Nước thải cùng với nước mưa chảy tràn đổ vào sông theo hệ thống cống xả chung khiến nước sông ô nhiễm trầm trọng.

Bên cạnh đó, các yếu tố biến đổi khí hậu như nhiệt độ, nắng nóng, lượng mưa và nước biển dâng khiến khả năng lan truyền mặn vào sâu hơn trong nội đồng. Sự thay đổi mặn và mức độ lan truyền mặn có xu hướng tăng dần trong tương lai về phía thượng nguồn hồ Dầu Tiếng sông Sài Gòn và hồ Trị An sông Đồng Nai, gây tác động ngày càng lớn đối với nguồn cung cấp nước.

Hậu quả là trong thời gian gần đây, nước từ sông Sài Gòn có mức độ ô nhiễm tăng cao; vào mùa khô thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn mặn, mùa mưa hàm lượng mangan và amoniac rất cao.

Tình trạng ô nhiễm sông Sài Gòn-Đồng Nai gây ảnh hưởng không ít đến chất lượng nguồn nước của 2.000km kênh, rạch chảy qua nội đô Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo kết quả quan trắc chất lượng môi trường nước kênh, rạch ngoại thành 6 tháng đầu năm 2022 của Trung tâm Quan trắc tài nguyên môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh), chất lượng nước mặt tại các khu vực kênh, rạch có các công trình nạo vét, cải tạo, chỉnh trang đô thị như kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, kênh Tàu Hủ-Bến Nghé... khá tốt nhưng vùng kênh, rạch giáp ranh liên tỉnh như kênh Thầy Cai và sông Cần Giuộc, rạch Nước Lên-sông Chợ Đệm, kênh Tham Lương-Bến Cát-Vàm Thuật…vẫn còn bị ô nhiễm nặng.

[Chưa xác định được nguồn nước đỏ xuất hiện sau cơn mưa tại TP.HCM]

Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do ảnh hưởng bởi nước thải sinh hoạt chưa xử lý, nước mưa chảy tràn mang theo rác thải và đặc biệt là việc người dân lấn chiếm, xả rác bừa bãi xuống kênh, rạch.

Ghi nhận thực tế cho thấy ở rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh), nước luôn có màu đen kịt do rác thải, nước thải của các hộ sống quanh khu vực đều xả thẳng ra rạch này. Kênh 19-5 nối dài ba quận Tân Bình-Tân Phú-Bình Tân bị ô nhiễm nhiều năm qua khi rất nhiều cống xả thải của nhà máy, nhà dân trong khu vực đổ thẳng ra.

Tình trạng tương tự đang diễn ra tại kênh Phạm Văn Bạch (quận Tân Bình), chủ yếu do nguồn thải từ các hộ kinh doanh dịch vụ rửa xe, sản xuất kim loại, giặt ủi, nhà hàng ăn uống... dọc theo kênh.

Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thành phố đã chỉnh trang các khu dân cư xuống cấp; di dời các hộ dân sống ven sông và những nhà máy, cơ sở sản xuất không đảm bảo yêu cầu về vệ sinh môi trường để giảm áp lực về rác thải cho hệ thống sông, kênh, rạch. Ngành môi trường thành phố còn thường xuyên vớt rác, lục bình, nạo vét bùn, khơi thông dòng chảy đối với tuyến kênh, rạch bị ô nhiễm; xử lý công trình vi phạm lấn chiếm lòng sông, kênh, rạch...

Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều bất cập khiến việc cải thiện nguồn nước tại Thành phố Hồ Chí Minh chưa đạt kết quả triệt để. Cơ sở hạ tầng hệ thống xử lý nước thải của thành phố chưa đáp ứng được lượng nước thải đô thị thải ra mỗi ngày.

Hiện Thành phố Hồ Chí Minh có 3 nhà máy xử lý nước thải tập trung gồm: Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (giai đoạn 1), công suất 141.000m3/ngày; nhà máy Bình Hưng Hòa, công suất 46.000m3/ngày và nhà máy Tham Lương-Bến Cát đang đưa vào vận hành xử lý khoảng 10.000-15.000m3/ngày trong tổng công suất giai đoạn 1 là 131.000m3/ngày, cùng nhiều trạm xử lý nước thải phi tập trung trên toàn địa bàn.

Mặc dù vậy, với hơn 3 triệu mét khối nước thải sinh hoạt đô thị thải ra mỗi ngày, lượng nước thải được thu gom và xử lý tập trung chỉ chiếm khoảng 13%.

Ý thức bảo vệ môi trường của người dân tại nhiều địa phương còn chưa tốt khi tình trạng lấn chiếm, xả rác xuống sông, kênh, rạch vẫn diễn ra mỗi ngày. Những nguyên nhân trên đã khiến tình trạng ô nhiễm kênh rạch ở Thành phố Hồ Chí Minh trở nên phức tạp, gây khó khăn cho công tác bảo đảm cung cấp nguồn nước sạch cho người dân.

Đồng bộ các giải pháp

Nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm sông, kênh, rạch diễn ra phức tạp, Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trước mắt và lâu dài.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Thanh Mỹ, thành phố đang hướng tới mục tiêu tất cả nguồn nước thải công nghiệp, dịch vụ, sinh hoạt trước khi thải ra môi trường phải được xử lý đạt tiêu chuẩn bằng cách đẩy mạnh việc thu gom nước thải sinh hoạt về các khu xử lý nước thải tập trung.

Thành phố sẽ tăng cường giám sát việc xả rác vào kênh rạch, quản lý và ngăn ngừa việc xả nước thải chưa xử lý, kết hợp với các giải pháp nạo vét khơi thông dòng chảy cũng như các giải pháp kỹ thuật khác để cải thiện chất lượng môi trường nước kênh, rạch.

Công tác bảo vệ, cải tạo và phát triển cảnh quan các tuyến kênh rạch cũng sẽ được thành phố tập trung thực hiện. Thời gian tới, thành phố tiếp tục duy trì phát triển phần mềm quản lý trực tuyến để tiếp nhận và xử lý ý kiến, phản ánh của người dân về tình trạng xả rác ra đường, kênh rạch, các điểm gây ô nhiễm môi trường, hành vi vi phạm về môi trường nhanh chóng, kịp thời; duy trì chất lượng vệ sinh tại các khu vực đã cải tạo, không để phát sinh điểm ô nhiễm mới.

Thành phố sẽ quy định cụ thể trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện trước tình trạng phát sinh rác thải bừa bãi, không đúng quy định, đặc biệt là chất lượng vệ sinh của các tuyến sông, kênh rạch.

Kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Theo Sở Xây dựng thành phố, phấn đấu đến năm 2025, khoảng 80% tổng lượng nước thải của Thành phố (gần 2,6 triệu m3/ngày) sẽ được thu gom, xử lý đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường.

Để thực hiện được mục tiêu này, từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ kêu gọi đầu tư xây dựng 12 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị và và thực hiện dự án vệ sinh môi trường khu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè (giai đoạn 2), dự kiến hoàn thành vào năm 2024.

Trong đề án phát triển hệ thống cấp nước giai đoạn 2020-2050, Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra giải pháp di dời dần điểm khai thác nước thô lên phía thượng lưu sông Sài Gòn và sông Đồng Nai kết hợp với việc xây dựng các hồ hoặc cụm hồ dự trữ nước thô nhằm gia tăng an ninh nguồn nước khi đối diện với các rủi ro từ tác động của ô nhiễm và biến đối khí hậu.

Trong tương lai, các nhà máy nước hiện hữu và nhà máy mới tại thành phố sẽ được cung cấp nước thô trực tiếp từ hồ Dầu Tiếng, hồ Trị An.

Ông Trần Kim Thạch, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng nước của Sawaco cho rằng quan trọng nhất vẫn là công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho người dân thành phố, thông qua các hoạt động vận động người dân cam kết với địa phương không xả rác bừa bãi hoặc vận động người dân tham gia cùng lực lượng chức năng dọn vệ sinh, nạo bùn, khơi thông dòng chảy tại các tuyến kênh, rạch bị ô nhiễm.

Mọi nỗ lực của chính quyền thành phố trong việc cải thiện chất lượng nguồn nước mặt sẽ không có ý nghĩa nếu người dân cứ tiếp tục "vô tư" xả rác, xả thải xuống các tuyến kênh, rạch, gây ô nhiễm như hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục