Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường-Tổng cục Môi trường Lê Hoàng Anh cho biết chất lượng nước của sông Nhuệ, Đáy trong nhiều năm, từ 2010 đến đầu năm 2016, hầu hết chỉ đạt mức trung bình và kém.
Sông Nhuệ có chất lượng nước kém hơn so với sông Đáy, chỉ đảm bảo cho các mục đích giao thông thủy và các mục đích tương đương.
Chất lượng nước sông Đáy tốt hơn nhưng cũng chỉ đạt mức trung bình, phục vụ cho mục đích tưới tiêu và các mục đích tương đương.
Theo Trung tâm Quan trắc môi trường, lưu vực sông Nhuệ-Đáy được phân vùng theo mục đích sử dụng với 34 đoạn, có 5 nhóm gồm sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu, giao thông thủy và các mục đích tương đương, không sử dụng cho bất kỳ mục đích nào.
Tại Hội thảo góp ý kiến cho kết quả phân vùng theo mục đích sử dụng nước lưu vực sông Nhuệ-Đáy do Tổng cục Môi trường tổ chức ngày 30/11, các đại biểu cho rằng căn cứ trên kết quả phân vùng theo mục đích sử dụng nguồn nước sau khi có sự đồng thuận của các địa phương trên lưu vực sông Nhuệ-Đáy, cơ quan quản lý nhà nước về môi trường các cấp cần có các biện pháp bảo vệ để duy trì cũng như xử lý, cải thiện, nâng cao chất lượng nước của từng đoạn sông. Việc này nhằm đáp ứng các mục đích sử dụng đã thống nhất, đặc biệt với các đoạn sông hiện đang khai thác, sử dụng nước cho các nhà máy nước sạch.
Các đại biểu cho rằng cần làm rõ nguyên nhân 2 đoạn sông không sử dụng được cho bất kỳ mục đích nào. Địa phương cần xem xét trường hợp trên cùng một đoạn sông mà chất lượng nước liên tục thay đổi, việc phối hợp giữa các địa phương trong quản lý chất lượng nước, giữa các vùng giáp ranh, đặc biệt trong mùa khô.
Các phân đoạn cần được xác định chiều dài cụ thể, bổ sung phân tích chất lượng nước cả mùa khô và mùa mưa để đưa ra thời gian hữu ích khi sử dụng nước ở lưu vực sông này; nhấn mạnh quy hoạch sử dụng nước của các địa phương nhằm phát hiện những điều chưa phù hợp.
Về phía địa phương, đại diện các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Hòa Bình cho rằng cần có thêm phân vùng theo mục đích sử dụng trên nhánh sông Đào vì có tới 7 trạm cấp nước ở lưu vực này.
Các đại biểu kiến nghị cần làm rõ nguyên nhân chất lượng nước không phù hợp ở các đoạn sông cũng như các nguồn nước thải ra sông; cần tính đến bài toán phân đoạn nhỏ hơn nhằm điều chỉnh mục đích sử dụng nước.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng cho rằng quan trọng nhất là kết quả nghiên cứu này phải được các cơ quan liên quan sử dụng, áp dụng vào thực tế, hỗ trợ việc ra quyết định của cơ quan nhà nước, biến số liệu thành nhận thức, thay đổi hành động của nhà quản lý và người dân.
Kiến nghị phải đủ sức nặng bởi nhiều địa phương đã cấm sử dụng nước ở những thời điểm, những đoạn sông cụ thể nhưng thực tế người dân không tuân thủ. Kết quả nghiên cứu phải đủ sức cảnh báo các hiện tượng cực đoan đã, đang và sẽ diễn ra, tác động xấu đến sức khỏe con người nếu không có hành động kịp thời./.