Châu Âu bất lực trước sự đổ vỡ của thỏa thuận hạt nhân Iran

Thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015, khi đó được ca ngợi như một sự thúc đẩy lịch sử cho nền hòa bình khu vực, đang có nguy cơ sụp đổ trước mắt những quốc gia châu Âu ủng hộ thỏa thuận này.
Châu Âu bất lực trước sự đổ vỡ của thỏa thuận hạt nhân Iran ảnh 1Quang cảnh nhà máy làm giàu urani của Iran ở thành phố miền Trung Isfahan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo AFP, các nhà phân tích nhận định thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015, khi đó được ca ngợi như một sự thúc đẩy lịch sử cho nền hòa bình khu vực, đang sụp đổ trước mắt những quốc gia châu Âu ủng hộ thỏa thuận này, những nước đã tỏ ra bất lực trước việc Mỹ đơn phương hủy bỏ thỏa thuận.

Nước Mỹ, dưới thời Tổng thống Barack Obama, là một trong những cường quốc đã ký thỏa thuận trên. Tuy nhiên, tháng 5/2018, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố từ bỏ thành tựu trong chính sách đối ngoại mang dấu ấn của người tiền nhiệm này.

Các cường quốc châu Âu do Đức và Pháp đứng đầu đã tìm cách cứu vãn thỏa thuận, nhưng các nhà phân tích cho rằng thỏa thuận này xem ra gần như thất bại do nguy cơ đối đầu quân sự giữa Tehran và Washington ngày càng lớn.

Thất vọng vì thỏa thuận đã không mang lại những lợi ích như cam kết sau khi Mỹ rút lui, tháng trước, Iran tuyên bố sẽ ngừng tôn trọng quy định ghi trong thỏa thuận về những giới hạn đối với các kho dữ trữ urani làm giàu cũng như đối với nước nặng.

"Mọi thứ đã bị niêm phong sau quyết định của Donald Trump," Bruno Tertrais, Phó Giám đốc Quỹ nghiên cứu chiến lược (FRS) của Pháp, nói với AFP.

Không nhân nhượng

Thỏa thuận năm 2015 hứa hẹn dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của quốc tế đối với Iran, vốn đã làm tê liệt nền kinh tế của nước này trong nhiều năm, để đổi lấy sự đảm bảo về tính chất hòa bình của chương trình hạt nhân mà các cường quốc phương Tây lo ngại có thể được (Tehran) sử dụng để chế tạo bom hạt nhân.

Vấn đề là, theo các nhà phân tích, nền kinh tế toàn cầu liên kết chặt chẽ với nhau khiến các công ty châu Âu hầu như không thể giao dịch thật sự với Iran mà không làm Mỹ nổi giận.

Các công ty của Liên minh châu Âu (EU) vẫn bị ám ảnh bởi khoản tiền phạt 8,9 tỷ USD dành cho ngân hàng BNP Paribas của Pháp hồi tháng 6/2014 sau khi họ thừa nhận những cáo buộc hình sự của Mỹ về việc vi phạm các lệnh trừng phạt đối với Cuba, Iran và Sudan trong 8 năm.

"Các công ty châu Âu toàn cầu hóa hơn trong khi chính sách của Mỹ dưới thời Trump là không có bất kỳ sự nhượng bộ nào," ông Tertrais nói.

Nằm dưới sự chăm sóc đặc biệt

Các quan chức EU khẳng định thỏa thuận hạt nhân Iran không chết và đã tích cực thúc đẩy quan hệ ngoại giao với Tehran bất chấp những căng thẳng ở Vùng Vịnh sau vụ phá hoại các tàu chở dầu mà Mỹ đã đổ lỗi cho Iran.

Emmanuel Bonne, Cố vấn ngoại giao của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, và Ngoại trưởng Heiko Maas đã có chuyến công du tới Tehran trong tháng này. Các cường quốc EU đã tìm cách duy trì thỏa thuận hạt nhân bằng cách đưa ra một cơ chế thương mại đặc biệt được gọi là INSTEX, theo đó cho phép giao dịch hợp pháp với Iran mà không vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Nhưng cơ chế này vẫn chưa đi vào hoạt động hoàn toàn. "Tôi sẽ không nói rằng thỏa thuận đã chết, nhưng chắc chắn nó đang được theo dõi một cách đặc biệt," Annalisa Perteghella - chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu chính trị quốc tế (ISPI) của Italy - nói, "chúng ta đang chứng kiến một số nỗ lực để hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran nhưng nếu nhìn vào tương lai, tôi không thể thấy thỏa thuận này rời bệnh viện một cách bình an vô sự."

[Logic trong cuộc đối đầu Mỹ-Iran tại Trung Đông]

Theo bà Perteghella, các công cụ như INSTEX được EU quảng cáo là làm sống lại thỏa thuận đã "được chứng minh là vô giá trị khi đối mặt với đòn bẩy kinh tế lớn mà Mỹ vẫn có trên thị trường tài chính."

Chuyên gia của ISPI cho rằng ngay cả khi các cường quốc chủ chốt của EU như Đức không có thiện cảm với Trump, họ sẽ không bao giờ mạo hiểm đánh đổi lợi nhuận xuất khẩu của các công ty châu Âu sang Mỹ vì đối đầu với Washington. Để gây ảnh hưởng với Trump, "bạn có một công cụ đáng tin cậy để trả đũa, và EU hiện nay đơn giản là thiếu điều đó," chuyên gia này nhận định.

Thành tích nghèo nàn

Rakesh Sood, cựu Đại sứ Ấn Độ và hiện là thành viên của Quỹ Nghiên cứu quan sát viên (ORF) có trụ sở tại New Delhi, cho rằng thỏa thuận hạt nhân Iran là một "phép thử" để xem liệu EU có thể là một người chơi chính trị quan trọng với một chính sách đối ngoại đáng tin cậy hay không.

"Cho đến nay, thành tích (của EU) rất nghèo nàn và tất cả những gì họ có là một INSTEX thiếu sức sống để chứng tỏ mình," ông Sood nói. Tuy nhiên, trong khi các cường quốc EU đấu tranh để chứng tỏ thỏa thuận vẫn tồn tại, sự hoài nghi đang tăng lên về việc liệu có phải họ chỉ đang cố gắng giữ thể diện.

"Nói rằng chúng tôi sẽ cố gắng duy trì thỏa thuận là đúng về nguyên tắc nhưng trên thực tế, chúng tôi không thể," cựu Ngoại trưởng Pháp Hubert Vedrine nói với Đài RFI./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Israel đã đạt được phần lớn mục tiêu chiến lược liên quan tới Gaza kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái và đây là thời điểm để biến điều đó thành quả lâu dài và chiến lược.