Châu Âu cảnh giác cao độ, gia hạn biện pháp phòng COVID-19

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang có diễn biến ngày càng phức tạp, các nước châu Âu đã tiếp tục đề cao cảnh giác và gia hạn các biện pháp ứng phó.
Châu Âu cảnh giác cao độ, gia hạn biện pháp phòng COVID-19 ảnh 1Các nhân viên y tế Nga khử khuẩn đường phố. (Ảnh: Al Jazeera)

Vài tuần tới đây sẽ là thời điểm mang tính quyết định đối với cuộc chiến chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Nga, do đó các cơ quan chức năng cần chuẩn bị các biện pháp ứng phó với những kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra.

Đây là chỉ thị quyết liệt của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp chính phủ trực tuyến ngày 13/4.

Tại cuộc họp, nhà lãnh đạo Nga bày tỏ sự quan ngại trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trong nước khi số ca nhiễm mới và tử vong tiếp tục tăng. Ông đã chỉ thị các bộ, ban, ngành xem xét và phối hợp các biện pháp phòng ngừa tình hình tiếp tục xấu đi. Liên quan vấn đề thiếu thốn trang thiết bị và vật tư y tế cùng nhân lực trong cuộc chiến chống đại dịch này, Tổng thống Putin tuyên bố sẽ huy động Bộ Quốc phòng tham gia khi cần thiết.

Nhằm siết chặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, từ ngày 13/4, chính quyền thủ đô Moskva triển khai cấp phép trực tuyến cho hoạt động đi lại, qua đó giảm thiểu số người vi phạm lệnh phong tỏa. Trong ngày qua, đã có 800.000 trường hợp là người sử dụng phương tiện công cộng hoặc xe riêng đã được cấp phép. Tuy nhiên, có một thực tế là tin tặc đã tấn công trang thông điện tử văn phòng thị trưởng-nơi tiếp nhận đăng ký cấp phép trực tuyến của người dân thủ đô, làm chậm tiến trình cấp phép.

Trong ngày 13/4, Nga đã ghi nhận thêm 2.558 ca nhiễm mới-mức cao nhất trong 24 giờ. Hiện tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này đã lên tới 18.328 ca. COVID-19 cũng đã cướp đi sinh mạng của 148 người tại nước này. Con số thực tế được cho là có thể còn cao hơn bởi nhiều người chưa được xét nghiệm. Cùng với Nga, nhiều nước châu Âu cũng cảnh giác cao trước đại dịch COVID-19.

[Số ca tử vong vì COVID-19 của Anh vượt 11.000 người]

Ngày 13/4, Chính phủ Anh cho biết sẽ không sớm nới lỏng các biện pháp hạn chế trên cả nước dù hiện tại tình hình dịch COVID-19 tại nước này đã có nhiều dấu hiệu khả quan. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cảnh báo dịch bệnh tại nước này vẫn chưa lên tới đỉnh điểm. Theo ông, việc dỡ bỏ quá sớm các biện pháp hạn chế sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ hai.

Báo cáo mới nhất của Bộ Y tế Anh cho thấy tổng số bệnh nhân COVID-19 nhập viện điều trị và tử vong đã lên tới 11.329 ca, khiến Anh trở thành một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch trên toàn cầu.

Trong thông báo mới nhất ngày 13/4, Bồ Đào Nha đã quyết định gia hạn 1 tháng lệnh đóng cửa biên giới trên bộ với Tây Ban Nha nhằm phối hợp với quốc gia láng giềng này trong cuộc chiến chống COVID-19. Lệnh này sẽ có hiệu lực đến ngày 15/5. Hiện Bồ Đào Nha đang ở đặt trong tình trạng khẩn cấp quốc gia (từ ngày 19/3-17/4). Hiện tổng số COVID-19 tại Bồ Đào Nha là 16.934 người, trong đó có 535 ca tử vong.

Cùng ngày, Bộ Y tế Ireland ra thông báo cho biết các quy định về giãn cách xã hội mà nước này đang áp dụng để hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 được duy trì tại hầu hết các địa phương cho đến khi có thuốc đặc trị hoặc vaccine phòng bệnh. Trước đó, Ireland đã gia hạn các quy định hạn chế đi lại cho đến ngày 5/5. Hiện Ireland ghi nhận tổng cộng hơn 10.000 ca nhiễm, bao gồm 365 ca tử vong./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.