Các nước châu Âu không nên nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch bệnh quá nhanh.
Đây là khuyến cáo được Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đưa ra ngày 25/11.
Phát biểu trước các nghị sỹ EU, bà von der Leyen cảnh báo nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ 3 dịch COVID-19 sau dịp Giáng sinh.
[Không khí chuẩn bị Giáng sinh ở châu Âu trong bối cảnh dịch COVID-19]
Bà von der Leyen cho biết thực tế một số nước châu Âu đang dần nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh, trong đó có yêu cầu ở nhà, khi các dịp lễ cuối năm tới gần.
Tuy nhiên, Chủ tịch EC cho rằng cần rút ra bài học từ mùa Hè, và không nên lặp lại các sai lầm của việc nới lỏng các hạn chế quá nhanh.
Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo các cửa hàng có thể mở cửa trở lại vào ngày 28/11 này và nước này có thể dỡ bỏ yêu cầu người dân ở nhà từ ngày 15/12, mặc dù lệnh giới nghiêm vào ban đêm sẽ được áp dụng lại.
Tại Đức, lãnh đạo 16 bang của nước này cũng nhất trí về hướng dẫn phòng dịch trong dịp Giáng sinh, theo đó nới lỏng một số hạn chế cho đến hết tháng 12, dù số ca nhiễm tại nước này đã gần chạm mốc 1 triệu người.
Lãnh đạo các bang của Đức cũng nhất trí số người được phép tụ tập tối đa trong khoảng thời gian từ ngày 23/12 đến ngày 1/1.2021 là 10 người.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Cộng hòa Séc Jan Blatny cho biết nước này sẽ bắt đầu xét nghiệm kháng nguyên COVID-19 miễn phí cho tất cả người dân có nhu cầu từ ngày 18/12.
Séc là một trong những quốc gia tại châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 trong làn sóng lây nhiễm thứ 2. Nước này cũng dự định nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh, vốn được áp dụng trong những tuần qua.
Nhà chức trách cho biết nếu tình hình dịch bệnh tại nước này tiếp tục tạm lắng, các nhà hàng, trường học và cửa hàng có thể mở cửa trở lại vào tuần tới.
Dự kiến, Chính phủ Séc sẽ họp vào ngày 29/11 để đưa ra quyết định về việc có nới lỏng thêm các hạn chế hay không.
Trong 24 giờ qua, Séc ghi nhận thêm 5.854 ca nhiễm, thấp hơn gần 50% so với giai đoạn đỉnh dịch vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11.
Hiện tổng số ca nhiễm tại quốc gia Đông Âu này là 502.534 người, trong đó có 7.499 trường hợp không qua khỏi.
Ngày 25/11, nhà chức trách Ba Lan thông báo đã ghi nhận ngày có sổ ca tử vong cao nhất với 674 ca tử vong mới do dịch bệnh COVID-19 trong 24 giờ qua, trong khi số ca nhiễm mới cũng vượt 15.000 người.
Trong những ngày gần đây, số ca nhiễm mới tại quốc gia Đông Âu này đã giảm so với mức cao nhất, hơn 27.000 ca, ghi nhận hồi đầu tháng 11, song số người không qua khỏi lại tăng cao.
Tính đến nay, Ba Lan ghi nhận 924.422 ca mắc COVID-19, trong đó có 14.988 trường hợp tử vong.
Trước tình hình trên, Bộ trưởng Y tế Ba Lan Adam Niedzielski cảnh báo sẽ phản đối việc nới lỏng các biện pháp hạn chế trong dịp Giáng sinh nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ 3.
Ông Niedzielski cho biết nếu Ba Lan không hành động có trách nhiệm, nước này sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề.
Bộ trưởng Y tế Niedzielski đưa ra cảnh báo này sau khi Chính phủ Ba Lan cho biết sẽ mở cửa các đường trượt tuyết, dù chỉ dành cho người dân, cũng như cho phép các trung tâm thương mại mở cửa trở lại vào dịp Giáng sinh.
Trái ngược với Ba Lan, ngày 25/11, Chính phủ Bulgaria thông báo áp đặt các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt hơn, trong đó có đóng cửa các nhà hàng và trường học.
Phát biểu họp báo sau cuộc họp của chính phủ, Bộ trưởng Y tế Kostadin Angelov cho biết các biện pháp chống dịch mới sẽ có hiệu lực từ ngày 27/11 tới ngày 21/12. Theo đó, các quán càphê, nhà hàng, sòng bạc, phòng tập thể thao và trung tâm mua sắm đều phải đóng cửa.
Các trường đại học và trường học sẽ chuyển sang hình thức giảng dạy hoàn toàn trực tuyến, trong khi các trường mẫu giáo cũng sẽ đóng cửa.
Các rạp hát sẽ chỉ được phép vận hành 30% công suất, trong khi các nhà hàng sẽ chỉ được bán mang về. Tuy nhiên, các nhà thờ và các địa điểm thờ tự khác vẫn được phép mở cửa.
Không giống như lệnh phong tỏa được áp đặt vào mùa Xuân năm nay, Chính phủ Bulgaria sẽ không ra lệnh đóng cửa các công viên và khu vườn công cộng hay yêu cầu người dân hạn chế đi lại.
Chính phủ kỳ vọng các biện pháp mới sẽ phát huy hiệu quả sau 2-3 tuần, cũng như đảm bảo sức khỏe của người dân cho tới khi có vắcxin phòng bệnh.
Trong những tuần gần đây, hệ thống y tế của Bulagria đã rơi vào tình trạng quá tải khi số bệnh nhân phải nhập viên tăng cao giữa lúc đội ngũ y tế đang thiếu hụt nghiêm trọng. Một số trường hợp bệnh nhân thậm chí tử vong vì phải đợi quá lâu bên ngoài các bệnh viện để chờ được tiếp nhận.
Tính tới ngày 25/11, Bulgaria có tổng cộng 129.348 ca mắc COVID-19, trong đó có 3.226 ca tử vong.
Cùng ngày, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg tuyên bố nước này phải duy trì các biện pháp hạn chế chống dịch hiện hành và sẽ cần ít nhất 3 tuần để tính tới việc dỡ bỏ các biện pháp này.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Thủ tướng Solberg nêu rõ: "Luôn có ánh sáng phía cuối đường hầm. Chúng ta phải kiên định."
Mặc dù đã xuất hiện một số tín hiệu thích cực, song Thủ tướng Solberg cho rằng hiện chưa phải lúc để dỡ bỏ các biện pháp hạn chế trên toàn quốc, bao gồm việc đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập không quá 20 người và cách ly những người đến từ nước ngoài.
Về vấn đề vắcxin, Thủ tướng Solberg cho biết nước này có thể cung cấp vắcxin phòng COVID-19 cho các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương vào đầu năm tới, nếu các cơ quan y tế châu Âu phê duyệt các vắcxin vào cuối năm nay.
Dù không thuộc Liên minh châu Âu, Na Uy vẫn sẽ được tiếp cận với vắcxin phòng COVID-19 mà EU đặt mua khi Thụy Điển, một thành viên EU, sẽ mua số lượng nhiều và bán cho Na Uy.
Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu, số ca mắc COVID-19 trung bình trong 14 ngày qua của Na Uy là 150,9 ca trên 100.000 dân, thấp thứ ba ở châu Âu sau Iceland, Phần Lan và Ireland.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại sự chênh lệnh số ca mắc giữa các khu vực và nhà chức trách đang đặc biệt lo ngại về tình hình dịch bệnh ở thủ đô Oslo và các thành phố lớn khác.
Trong khi đó, Chính phủ sắp mãn nhiệm Litva cùng ngày đã gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc cho tới ngày 17/12, khi chính phủ mới dự kiến tiếp quản, trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tại nước này tiếp tục tăng.
Chính phủ cho biết lệnh phong tỏa đã khiến số ca mắc mới duy trì ổn định ở mức khoảng 11.000 ca/tuần. Bộ trưởng Y tế Aurelijus Veryga cho biết mặc dù tốc độ lây lan phần nào chững lại song tình hình dịch bệnh vẫn rất nghiêm trọng.
Tính tới ngày 25/11, Litva ghi nhận tổng cộng 51.655 ca mắc COVID-19, trong đó có 432 ca tử vong./.